Nông dân ứng dụng kỹ thuật lúa than thiện môi trường |
Hệ thống canh tác lúa cải tiến, thân thiện với môi trường là phương pháp canh tác lúa hướng tới phát triển nông nghiệp sinh thái bền vững, được tiến hành tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Tại Phú Yên, thời gian qua việc áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến từ Dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường đã mang lại hiệu quả và năng suất cao, góp phần giúp bà con nông dân giảm chi phí đầu vào như giống, phân bón, thuốc trừ sâu và tiết kiệm nước tưới
Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường” do Qũy BRACE tài trợ thông qua Hội Nông dân Việt Nam triển khai. Tại Phú Yên, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch hoạt động của dự án, triển khai mô hình tại 2 xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa và xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa. Thời gian thực hiện dựa án là 24 tháng, với 4 vụ lúa liên tiếp, từ tháng 7/2021 đến tháng 7/2023. Với hình thức “Cầm tay chỉ việc”, Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp giới thiệu đến bà con nông dân tổng quan về hệ thống thâm canh lúa cải tiến và phương pháp canh tác lúa cải tiến. Đồng thời hướng dẫn bà con về quy trình sinh trưởng của cây lúa, 5 nguyên tắc và các biện pháp kỹ thuật về bón phân, cấy, làm cỏ, làm đất.
Một số bà con nông dân tham gia dự án chia sẻ, khi áp dụng các kỹ thuật theo hướng dẫn thấy cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, cây lúa đẻ nhiều nhánh. Đặc biệt, cây lúa tập trung đẻ nhánh giai đoạn đầu, mỗi khóm lúa có nhiều bông và tỷ lệ hạt chắc trên bông cao hơn; lượng giống giảm, việc tưới theo phương pháp ướt khô xen kẽ đưa nước vào mặt ruộng từ 3-5 cm, tích nước 5-7 ngày rồi xả nước khỏi ruộng cho đất khô nứt chân chim nhưng phải đảm bảo độ ẩm trong đất cũng giúp tiết kiệm khoảng 30% lượng nước tưới.
Qua đánh giá bước đầu triển khai tại xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa cho thấy ruộng áp dụng thâm canh lúa cải tiến so với ruộng làm theo tập quán truyền thống bà con nông dân đã giảm được lượng giống, giảm được lượng phân đạm 20-30%, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giảm lượng chi phi đầu tư, tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha, tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha. Đặc biệt, nâng cao được giá trị sản phẩm hàng.
Thời gian này, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền nhân rộng diện tích sạ lúa theo phương pháp này. Đồng thời thành lập tổ hội nghề nghiệp gieo sạ thân thiện với môi trường, tạo thương hiệu cho hạt gạo tại địa phương được đưa vào bán tại chuỗi cửa hàng Nông sản an toàn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản an toàn, thân thiện với môi trường, xây dựng thương hiệu gạo cho địa phương./.
Nguyễn Yên – Đắc Lâm