Triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Sáng ngày 29/12, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2021, triển khai kế hoạch năm 2022 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp tại điểm cầu chính Hà Nội và trực tuyến tới nhiều đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Phú Yên có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đào Mỹ; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và các sở, ngành liên quan.
Theo Bô NN&PTNT, năm 2021, ngành nông nghiệp đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nổi bật là: giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt khoảng 48,6 tỷ USD, vượt xa mục tiêu 42 tỷ USD mà Chính phủ đưa ra; tổng sản lượng lương thực đạt gần 44 triệu tấn... Trong giai đoạn tới, ngành nông nghiệp định hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tích hợp đa giá trị và phát triển xanh.
Đồng ý với những báo cáo, đánh giá của các bộ ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, trong điều kiện một năm 2021 nhiều khó khăn, với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ cả các doanh nghiệp, người dân, Việt Nam vẫn đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ; nhất là ngành nông nghiệp có mức tăng trưởng cao trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19…
Thủ tướng cũng đã nêu ra những tồn tại, hạn chế của ngành nông nghiệp trong thời gian qua. Đó là ngành nông nghiệp vẫn phát triển chưa bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ hay chuyển đổi số chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động thích ứng linh hoạt với diễn biến mới, tình hình mới. Từ những tồn tại, hạn chế được nhìn nhận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành nông nghiệp cần “mổ xẻ”, đánh giá kĩ lưỡng nguyên nhân để khắc phục trong năm 2022 và những năm tiếp tới.
Theo Thủ tướng, năm 2022 được cho rằng có nhiều khó khăn hơn năm 2021. Do đó ngành nông nghiệp cần nỗ lực, sáng tạo đổi mới và tập trung chọn vấn đề, cân đối nguồn lực, thời gian để tổ chức, thực hiện một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cần đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn, nâng cao tầm dự báo chiến lược một cách kịp thời để tổ chức thực hiện thiết thực hiệu quả, mang lại giá trị gia tăng cao hơn.
An Bang, Quốc Hoàn