Tập trung phát triển rừng gỗ lớn, ngăn chặn thiếu nước mùa khô

23:02, 28/05/2020 [GMT+7]

 

Tập trung phát triển rừng gỗ lớn, ngăn chặn thiếu nước mùa khô
Tập trung phát triển rừng gỗ lớn, ngăn chặn thiếu nước mùa khô

 

Diện tích rừng trồng tăng nhanh trong những năm gần đây, nhưng tình trạng khai thác trắng thường diễn ra và rừng tự nhiên đầu nguồn đang ngày càng bị thu hẹp. Theo các chuyên gia lâm nghiệp, điều này là rất nguy hại đến môi trường, đặc biệt là làm cạn kiệt nguồn sinh thủy từ các cánh rừng. Bởi vậy, khô hạn thường diễn ra gay gắt những năm gần đây là kết cục khó tránh khỏi. Trước thực tế này, tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh phát triển rừng gỗ lớn nhằm tạo nguồn sinh thủy, hạn chế khô hạn tại các địa phương trong tỉnh.

Phú Yên có diện tích đất, rừng quy hoạch lâm nghiệp là 276.046 ha, chiếm 55% tổng diện tích tự nhiên, trong đó diện tích đất có rừng 218 ngàn ha. Đến nay, ngành lâm nghiệp tỉnh đã phát triển được hơn 103 ngàn ha rừng trồng, nâng tỷ lệ che phủ rừng năm 2019 của tỉnh đạt 44%, phấn đấu đạt trên 45% trong năm 2020. Nỗ lực phát triển rừng trồng của ngành lâm nghiệp tỉnh Phú Yên trong những năm gần đây rất đáng ghi nhận... Tuy nhiên, theo các chuyên gia lâm nghiệp, cháy rừng và phát triển rừng đồng loài, đồng tuổi chạy theo lợi nhuận những năm gần đây của người trồng rừng lại đang tiềm ẩn nhiềm nguy hại.

Theo tính toán, phải mất ít nhất 3-4 năm, những khu vực khai thác trắng rừng trồng, mới có thể phủ lại được những đồi trọc sau khai thác. Bên cạnh đó, rừng sản xuất của tỉnh Phú Yên những năm gần đây chủ yếu khai thác non ở độ tuổi 3-5 năm. Trong khi đó, các chuyên gia lâm nghiệp cho rằng, để rừng keo đạt năng suất và đảm bảo sinh thủy đầu nguồn cần trồng chu kỳ 7-10 năm. Đối với một số loại gỗ khác, chu kỳ cần từ 10-15 năm. Bởi vậy, phát triển rừng có nhanh, có nhiều nhưng khai thác trắng và khai thác non thì kết quả trồng rừng không chỉ không đạt hiệu quả kinh tế mà còn ảnh hưởng nặng nề đến việc tích trữ nước mùa khô.

Phát triển rừng gỗ lớn hiện được xem là một trong những giải pháp bền vững ngăn chặn khô hạn, hạn chế tác động do thiên tai lũ lụt khi có mưa lớn. Tuy nhiên, cái khó của nhiều chủ rừng (hầu hết là người dân trồng rừng) chính là vốn để kéo dài thời gian thu hoạch rừng trồng. Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Lung, Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng, dù trồng cây hay nuôi con gì thì người dân cũng cần có cái ăn giáp hạt. Do vậy, để thực hiện được mục tiêu phát triển rừng gỗ lớn đạt hiệu quả, địa phương cũng cần có những chính sách, định hướng phù hợp hỗ trợ người trồng rừng để có thể "lấy ngắn nuôi dài".

Hiện tại, tỉnh Phú Yên đã đưa ra quy hoạch phát triển lâm nghiệp theo hướng tích hợp giữa bảo vệ và phát triển rừng với cân bằng suy thoái đất do mất rừng và suy thoái chất lượng rừng. Đồng thời, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng phát triển rừng có chững chỉ FSC đạt tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường công tác phòng chống cháy rừng nhằm ngăn chặn mất rừng gây tổn hại đến môi trường và nguồn sinh thủy từ các cánh rừng của tỉnh./.

An Bang