Hòa Quang Bắc gắn học tập và làm theo Bác với xây dựng nông thôn mới

13:33, 12/05/2020 [GMT+7]

 

Hòa Quang Bắc gắn học tập và làm theo Bác với xây dựng nông thôn mới
Hòa Quang Bắc gắn học tập và làm theo Bác với xây dựng nông thôn mới

 

Thấm nhuần tư tưởng của Bác “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, Đảng bộ xã Hòa Quang Bắc, huyện Phú Hòa đã phát động cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác một cách nghiêm túc, sáng tạo gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần từng bước nâng cao chất lượng đời sống nhân dân và đưa Hòa Quang Bắc trở thành địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận xã nông thôn mới nâng cao.

Từ vùng đất đồi khô cằn, thiếu nước, không mang lại hiệu quả nông nghiệp, năm 2014 với nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Quang Bắc đã mạnh dạn đầu tư 176 triệu đồng kết hợp vận động người dân đóng góp hơn 100 triệu đồng phát triển đường giao thông, xây dựng hồ chứa nước, kéo điện sản xuất phục vụ bơm tưới. Có điện, có nước, gần 100 hộ dân nơi đây đã tập trung phát triển hơn 15ha trồng hoa, rau màu luân canh, đồng thời khôi phục và phát triển làng nghề trồng hoa – rau màu Ngọc Sơn Đông gắn với thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài tỉnh.

Những năm trở lại đây, bản đồ du lịch của huyện Phú Hòa có thêm một điểm đến mới và đang ngày một thu hút đông du khách, đó chính là vùng chuyên canh ăn trái Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc. Hơn 40 ha đủ các loại cây ăn trái gồm mít, mãng cầu, bưởi, xoài, đu đủ,… Nhờ thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, đặc biệt việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, vùng cây ăn quả này phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao, bình quân mỗi năm mang lại thu nhập gần 200 triệu đồng/ha. Đặc biệt, các nông dân đã cùng liên kết thành tổ hợp tác và hướng đến mục tiêu vừa phát triển vùng chuyên canh kết hợp phát triển du lịch cộng đồng.

Nhờ mạnh dạn trong đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng mà kinh tế ở xã Hòa Quang Bắc không ngừng phát triển. Trên địa bàn xã hiện có 5 sản phẩm đặc trưng được tỉnh công nhận là mít, mãng cầu dai, sắn nước, hoa lay ơn và trứng gà sạch. Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 45,6 triệu đồng/người/năm, so với năm 2016, thời điểm được công nhận xã nông thôn mới, tăng hơn 18 triệu đồng/người/năm.

Cùng với sự phát triển về kinh tế, xã Hòa Quang Bắc hôm nay như được khoác trên mình chiếc áo mới. Thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua của xã ngày càng sôi nổi. Không chỉ cán bộ, đảng viên mà nhận thức của người dân cũng được nâng cao. Minh chứng cho điều này là việc người dân tự nguyện đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, trường học, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch…

Từ một xã thuần nông, xuất phát điểm thấp, nhờ những chủ trương đúng đắn, sự đoàn kết, thống nhất của cả hệ thống chính trị, đặc biệt Vviệc triển khai thực hiện Chỉ thị 05 về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng NTM đã mang lại những kết quả tích cực, giúp xã hoàn thành 15/15 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của tỉnh được công nhận xã nông thôn mới nâng cao./.

Hồng Thủy – Lê Hùng