Hỗ trợ doanh nghiệp thuỷ sản gặp khó do dịch bệnh |
Đại dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề tới nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực thủy sản. Xuất khẩu đình trệ, khách hàng chậm thanh toán, tồn kho nhiều, dẫn đến hệ lụy là doanh nghiệp thiếu vốn để duy trì sản xuất. Trong khi đó, nhiều khoản chi phí vẫn phải thanh toán như: tiền mua nguyên liệu, tiền điện, lương công nhân, bảo hiểm xã hội,… đã đẩy các doanh nghiệp thủy sản rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn.
Công ty Cổ phần Bá Hải ở Khu Công nghiệp Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, là một trong những doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản lớn của tỉnh Phú Yên, với sản lượng xuất khẩu bình quân hàng năm khoảng 3,5 ngàn tấn cá ngừ đại dương và tôm đông lạnh, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ và châu Âu. Trong tháng 3, công ty này bị hủy 35% đơn hàng đã ký, đến tháng 4 thì 100% đơn hàng bị hủy. Hiện, công ty tồn kho khoảng 600 tấn hải sản. Thiếu vốn duy trì hoạt động sản xuất cộng thêm nhiều khoản chi phí khiến công ty này đang gặp rất nhiều khó khăn.
Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải, huyện Đông Hòa nói : Nói chung rất là nặng nề tại vì Covid phát triển mạnh ở các quốc gia như Mỹ, châu Âu, là những thị trường chính của công ty. Hiện nay Mỹ vẫn còn đang tê liệt, các đơn hàng đình từ tháng 2, tới tháng 5 chưa biết chắc có kết nối lại được hay không. Tiền cũ khách hàng còn nợ họ lấy lý do là không thu được tiền bên đó họ cũng không chuyển cho mình, rất là mệt mỏi về chuyện không có tiền. Tiền lương CBCNV từ tháng 2 đến giờ chưa được trả lương, tiền điện bây giờ nợ đúng 6 kỳ, tức là 2 tháng, hơn 1 tỷ rồi.
Tương tự, do tác động của dịch bệnh, tình hình sản xuất kinh doanh của công ty TNHH Mosc Việt Nam tại khu công nghiệp Hòa Hiệp, huyện Đông Hòa, cũng không mấy khả quan. Từ tháng 3 đến nay, sản lượng xuất khẩu của công ty đã sụt giảm đến 80% so với trước khi xảy ra dịch bệnh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ rất khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều lô hàng xuất khẩu đang bị trì hoãn, lượng hàng tồn kho lớn, khách hàng chậm thanh toán,… đã ảnh hưởng không nhỏ tới vòng quay vốn lưu động của các doanh nghiệp thủy sản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ để vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Trước những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thực hiện chỉ thị của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19, cùng với cả nước, tỉnh Phú Yên cũng đang nhanh chóng triển khai việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có ngành thủy sản chịu tác động của dịch Covid-19 nhằm tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sản xuất. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Cùng với sự vào cuộc của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ về vốn để doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tỉnh Phú Yên cũng đang tính toán mức giãn tiền thuê đất cho các doanh nghiệp. Song song đó, ngành thuế cũng có phương án gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Sở Công thương tỉnh Phú Yên cho biết, Sở cũng đã có chính sách về hỗ trợ tiền điện để giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh Phú Yên cũng đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch. Trước mắt, UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp rà soát, thống kê, lập danh sách các doanh nghiệp, các nhóm đối tượng khó khăn do đại dịch Covid-19 để thụ hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ. Đồng thời xây dựng các phương án giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến rất phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, và dự báo sẽ còn kéo dài, tiếp tục tác động đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, sự vào cuộc nhanh chóng của các cơ quan ban ngành được xem như điểm tựa giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất./.
An Bang