Huyện Phú Hòa: Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp |
Tiếp nối Tây Hòa, huyện Phú Hòa là địa phương thứ 2 của tỉnh được công nhận huyện nông thôn mới năm 2019. Với xuất phát điểm là một huyện thuần nông, trên 90% hộ dân có thu nhập chính từ nông nghiệp, Phú Hòa xác định, phát triển nông nghiệp bền vững chính là nền tảng để xây dựng nông thôn mới. Nhờ thực hiện tốt các đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, mỗi xã một sản phẩm, trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Làng nghề trồng hoa – rau màu Ngọc Sơn Đông, xã Hòa Quang Bắc những ngày cuối năm, những luống lay ơn tươi tốt đang chờ ngày thu hoạch. Nơi này trước đây từng là vùng đất đồi khô cằn, thiếu nước, không mang lại hiệu quả nông nghiệp. Năm 2014, từ nguồn kinh phí xây dựng nông thôn mới, xã Hòa Quang Bắc đã đầu tư 176 triệu đồng kết hợp vận động người dân đóng góp hơn 100 triệu đồng phát triển đường giao thông, xây dựng hồ chứa nước, kéo điện sản xuất phục vụ bơm tưới. Có điện, có nước, gần 100 hộ dân nơi đây đã tập trung phát triển hơn 15ha trồng hoa, rau màu luân canh. Nhờ được chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, cách phòng chống dịch bệnh, năng suất, chất lượng sản phẩm làng nghề ngày càng được nâng cao.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện Phú Hòa đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, triển khai nhiều mô hình luân canh cây trồng như: mô hình 1 vụ lúa - đậu phộng, mô hình rau màu - dưa hấu - bắp, mô hình trồng rau gia vị các loại, cây dược liệu, hoa,… nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập khá cao, từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm cho người dân. Đặc biệt, từ quá trình chuyển đổi, đã dần hình thành các vùng chuyên canh mang lại hiệu quả rõ rệt như vùng trồng cây ăn quả Sơn Ngọc, xã Hòa Quang Bắc; vùng trồng khóm Đồng Din ở các xã Hòa Quang Nam, Hòa Định Tây, thị trấn Phú Hòa. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được hình thành, hướng người nông dân đến các mô hình sản xuất sạch, hình thành nhiều chuỗi liên kết từ khâu trồng, chế biến sản phẩm giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm đơn cử mô hình sản xuất các sản phẩm làm từ khóm của HTX NN KD TH Đồng Din.
Đến năm 2019, huyện Phú Hòa đã thực hiện được 16 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trồng trọt theo chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất đại trà… Tỉ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng. Kết quả thống kê, đến nay, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn huyện Phú Hòa đạt 41,3 triệu đồng/người, tăng 25,4 triệu đồng/người so với năm 2011. Đến cuối năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện còn 2,51%. Phú Hòa trở thành địa phương thứ 2 của tỉnh được công nhận huyện nông thôn mới.
Các định nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp vẫn là yếu tố quyết định đối với chương trình MTQG Xây dựng Nông thôn mới, huyện Phú Hòa tiếp tục tập trung thực hiện tốt chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - tổ hợp tác - hộ dân. Chú trọng mở rộng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đây là những bước đi thiết yếu nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân, hướng đến mục tiêu đưa huyện nông thôn mới ngày một phát triển nhanh và bền vững.
Hồng Thủy – Lê Hùng