Nỗi lo mất an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng

06:19, 04/06/2020 [GMT+7]

 

Nỗi lo mất an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng
Nỗi lo mất an toàn vệ sinh lao động tại các công trình xây dựng

 

Những năm gần đây, nhu cầu xây dựng hạ tầng, nhà ở gia tăng, theo đó, nghề xây dựng tự do phát triển mạnh và được coi là nghề dễ kiếm sống. Trong khi đó, mùa nắng nóng lại là mùa xây dựng, vấn đề đáng lo ngại tại các công trình là công tác an toàn lao động (ATLĐ) của những người làm nghề xây dựng tự do đang bị thả nổi...

Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng, gây tử vong hàng chục người. Điển hình có vụ sập tường xây dựng bức tường của một công ty tại Đồng Nai, khiến 10 người tử vong. Mới đây, ngày 22/5, tại Phường 5, TP. Tuy Hòa xảy ra vụ tai nạn sập giàn giáo tại một công trình nhà dân, làm 4 người bị thương nặng.

Tại Phú Yên, khảo sát tại một số công trình xây dựng trên địa bàn TP. Tuy Hòa cho thấy công tác bảo hộ lao động không được chủ sử dụng lao động lẫn người lao động quan tâm đúng mức. Tại nhiều công trình, khi thi công ở các tầng có độ cao hơn 10 mét, người thợ ngoài việc phải leo mấy lần giàn giáo, chưa có lan can, còn phải trèo lên những chiếc thang sơ sài bằng gỗ, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động.

Thực tế hiện nay tại nhiều công trình, nhất là khi xây dựng nhà ở trong khu vực dân cư, người lao động chủ yếu là lao động tự do, không có hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi không được đảm bảo. Người lao động chủ yếu chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp, xây dựng nên chưa có kỹ năng và tác phong công nghiệp... Vì vậy, vấn đề quan hệ lao động phức tạp và chất lượng lao động không đảm bảo là một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động trên các công trình xây dựng.

Từ thực trạng này có thể thấy, để khắc phục những nguy cơ tai nạn lao động tại các công trình xây dựng, trước hết cần sự tự giác của chủ công trình, các nhà thầu xây dựng trong việc chấp hành pháp luật, chấp hành các quy định của Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng; nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối ATLĐ cả trong quá trình xây dựng đến khi hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cũng cần phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát ATLĐ đối với các công trình xây dựng tại địa phương./.

Đặng Dự - Thế Hoan