Phú Yên: Phát triển giá trị thương hiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống

16:32, 30/06/2017 [GMT+7]

    Những sản phẩm làng nghề truyền thống, đặc sản của Phú Yên đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình cả trong và ngoài tỉnh. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm theo Luật Sở hữu trí tuệ đã đem lại nguồn lợi nhất định về kinh tế cho người dân, nâng cao giá trị, bảo vệ danh tiếng của sản phẩm…góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của các địa phương vươn xa.

Khách du lịch chọn mua sản phẩm các làng nghề Phú Yên
Khách du lịch chọn mua sản phẩm các làng nghề Phú Yên


    Có truyền thống làm nước mắm lâu năm, ông Trình Văn Nam, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ba Na ở thôn Long Thủy, xã An Phú, TP. Tuy Hòa được cấp chứng nhận quyền nhãn hiệu từ năm 2005. Từ đó, nước mắm Ba Na ngày càng được nhiều người dân và du khách gần xa biết đến. Ban đầu, sản phẩm chỉ trong phạm vi tiêu thụ là sản xuất rồi giao sản phẩm cho bà con trong thôn, xã, giờ đây mỗi năm, cơ sở sản xuất từ 2.000-3.000 lít nước mắm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Nước mắm được sản xuất đảm bảo chất lượng thu hút các nhà phân phối tìm đến cơ sở đặt hàng. Theo ông Nam, nhờ việc đăng ký chứng nhận nhãn hiệu cho nước mắm truyền thống đã tạo niềm tin cho nhiều người tiêu dùng, hỗ trợ việc làm cho nhiều người dân trong vùng.

Làm muối ở Tuyết Diêm
Làm muối ở Tuyết Diêm

Cuối năm 2016, Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu chứng nhận “Muối Tuyết Diêm”. Đây là điều kiện để người làm muối muối Tuyết Diêm nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ và khẳng định thương hiệu của tỉnh. Theo ông Lê Minh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam, trước đây bà con diêm dân làm muối ở Sông Cầu gặp nhiều khó khăn vì giá cả bấp bênh và thị trường tiêu thụ hạn chế. Từ khi được chứng nhận nhãn hiệu, các chính sách quản lý và hỗ trợ diêm dân dân trong việc làm muối đúng quy trình đang dần thay thế phương pháp sản xuất truyền thống, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả để đưa “Muối Tuyết Diêm” thành một thương hiệu mạnh.

    Với nhiều khách du lịch, các sản phẩm được cấp nhãn hiệu ngày càng tạo được niềm tin, là lựa chọn tin cậy khi du khách đến với Phú Yên. Đăng ký nhãn hiệu sản phẩm không chỉ dừng lại ở việc tạo điều kiện kinh doanh hiệu quả hơn, thu hút nhiều nhà phân phối sản phẩm mà còn khẳng định giá trị thương hiệu các sản phẩm, góp phần quảng bá hình ảnh Phú Yên với công chúng.

    Đến nay, Phú Yên đã được cấp 793 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm như nước mắm Mỹ Quang; bánh tráng Hòa Đa; bò khô 1 nắng 2 sương; cà phê Huy Tùng, cá ngừ đại dương…Các sản phẩm được phân phối khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Nhiều sản phẩm đã có mặt ở thị trường nước ngoài.

    Chị Trần Thị Ngọc Hà, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết rất hài lòng khi du lịch tại Phú Yên. Ngoài thưởng thức các đặc sản, chị còn mua thêm bò 1 nắng, mắt cá ngừ.. đóng thùng mang về làm quà. Theo chị, sản phẩm tại Phú Yên rất đa dạng, phong phú và ngon, chị khá tin tưởng về chất lượng sản phẩm mình đã mua. Còn chị Đoàn Thị Ngọc Bích, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Hòa Yên chuyên cung cấp các sản phẩm đặc sản của Phú Yên cho biết chị rất tự tin khi giới thiệu các sản phẩm này, vì nó mang thương hiệu đặc trưng riêng của tỉnh, với giá cả phải chăng nhiều du khách còn quay lại mua thêm vì các sản phẩm rất ngon.

   Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về phát triển giá trị thương hiệu đối với các sản phẩm của Phú Yên. Gía trị thương hiệu chỉ thực sự được khẳng định khi đảm bảo được các yếu tố chất lượng sản phẩm, duy trì và phát triển ngành nghề, lợi ích kinh tế theo quy định được cấp Nhãn hiệu chứng nhận. Cần thêm những chính sách hỗ trợ hơn nữa cho các làng nghề, đơn vị kinh doanh sản phẩm để phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm đã được bảo hộ.

         Như Thùy