Nhiều doanh nghiệp tìm thị trường, đón thời cơ |
Ðại dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế, nhiều doanh nghiệp (DN) chủ động, vượt qua khó khăn, tìm những hướng đi mới trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tại Khu Công nghiệp Đông Bắc Sông Cầu, trong khi nhiều DN phải hoạt động cầm chừng hoặc tạm dừng sản xuất do thiếu nguyên liệu đầu vào hoặc tồn kho quá nhiều thành phẩm do thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thì Công ty TNHH Hào Hưng vẫn ổn định sản xuất, kinh doanh. Công ty này chuyên sản xuất 3 lĩnh vực chính gồm ván ép, gỗ dăm và viên nén xuất khẩu. Hiện do ảnh hưởng dịch, công ty tồn hơn 15 tấn thành phẩm ván ép. Thế nhưng, thay vì cho công nhân nghỉ việc, công ty chủ động tích trữ hàng và chuyển sang sản xuất ở những lĩnh vực thị trường đang có sức tiêu thụ mạnh.
Công ty TNHH MOCS Việt Nam, 100% vốn nước ngoài hoạt động trên lĩnh vực chế biến thủy sản cũng đã chủ động tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để tiêu thụ sản phẩm, duy trì sản xuất và tạo việc làm cho người lao động. Hiện tại, sản phẩm chủ yếu được đối tác đặt mua là mực ống. Thế nhưng công ty cũng không dám nhận nhiều hợp đồng vì khó khăn về nguồn nguyên liệu.
Nhiều DN tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền máy móc và lên kịch bản đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh “hậu” đại dịch Covid-19.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh, chủ động nắm bắt khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để DN, nhà đầu tư duy trì sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường. Đây là thời điểm để DN tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn. Trong bối cảnh này, mỗi một DN phải có sự năng động, sáng tạo trong chuyển đổi thị trường, quy trình sản xuất, cách thức sản xuất… Đồng thời đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực trình độ cao mới phát triển một cách bền vững./.
Đặng Dự