Làm kinh tế từ rác thải: Tại sao không? |
Mỗi ngày, tại một chợ truyền thống, có từ vài chục đến cả trăm ki lô gam rác hữu cơ từ rau củ quả hư hỏng thải ra môi trường, nếu không có biện pháp xử lý tốt, lượng rác thải này sẽ gây ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải nhựa. Tận dụng lượng rác thải hữu cơ này để tạo sinh kế, góp phần xây dựng ý thức phân loại rác thải cho các tiểu thương - đó là cách làm của hai thanh niên trẻ của xã An Chấn, huyện Tuy An.
Công việc hàng ngày của Phan Xuân Danh: Thu gom rác từ 02 chợ ở xã An Chấn và chợ xã An Phú. Cứ 10h30 phút trưa, chợ vừa tan, Danh và các tiểu thương cùng nhau quét dọn, gom lại những rau củ quả thừa. Thay vì vứt chung với các túi nilong, vải hay các loại chai nhựa, nay các tiểu thương đã dồn các loại rau củ quả, thừa lại một góc. Chỉ mới 3 tháng, việc thu gom này đã lan tỏa đến các chợ xung quanh. Biết việc làm này của Danh, nhiều người cũng cất công chở rác hữu cơ từ chợ xa đến chợ An Chấn, gom thành 20-30 kg để sẵn.
Với các tiểu thương này, họ có thể chưa hiểu phân loại rác hữu cơ là gì. Họ chỉ cần biết giúp nhau bảo vệ môi trường, hạn chế xả rác thải ra môi trường vừa giúp con cháu có việc làm. Cứ thế, mỗi ngày, Phan Xuân Danh gom từ chợ An Chấn và chợ An Phú, mỗi chợ hơn 50 kg rác hữu cơ. Ngoài rác từ các chợ, Danh còn thu gom bã café, bã nghệ, tính chung hơn 100kg mỗi ngày. Sau khi thu gom, Danh sơ chế rác hữu cơ rồi dùng làm thức ăn cho sâu canxi -1 loại sâu ăn tạp có hàm lượng dinh dưỡng cao. Khi sâu trưởng thành có thể bán làm thức ăn cho gà. Hiện giá bán sâu này vào khoảng 20-25 nghìn đồng/kg.
Hiệu quả kinh tế là điều thấy rõ, nhưng lớn hơn hết là hoạt động này dần tạo được thói quen phân loại rác cho các tiểu thương buôn bán hàng ở chợ, vừa góp phần tiêu hủy được lượng lớn rác thải, vừa bảo vệ môi trường. Anh Phan Xuân Danh cũng chia sẻ: Nếu thử nghiệm thành công, sẽ nghiên cứu mở rộng mô hình và tăng cường thu gom rác thải tại các chợ xung quanh./.
Huyền Trang- Đắc Lâm