Bảo tồn lễ cúng bến nước người ÊĐê Sông Hinh |
Trong kho tàng văn hoá phi vật thể của người Ê Đê, lễ cúng bến nước mang tính tâm linh, phổ biến, thể hiện khát vọng hướng tới cuộc sống tốt đẹp, một cộng đồng phát triển. Ghi nhận tại huyện Sông Hinh.
“Ơi Yang, hôm nay mùa màng đã xong, và cũng là đầu năm mới, tại bến nước này, không có gì hơn, buôn làng có một con heo, năm ché rượu tổ chức cúng bến nước cho năm mới sức khỏe, bình an, nước luôn luôn chảy trong, chảy suốt, chảy sạch, một năm mới ấm no, gà vịt đầy đàn, heo trâu bò đầy chuồng, con cháu mạnh giỏi thảo hiền…” - Đây là một phần lời cúng của chủ bến nước Ma Trut tại buổi phục dựng bảo tồn Lễ cúng bến nước của người Ê Đê do Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình huyện Sông Hinh thực hiện.
Hàng năm, khi lúa trên rẫy đã gọn gàng trong chòi, thời điểm này cũng trùng với kết thúc năm cũ, chuyển sang năm mới, người Ê Đê lại tổ chức cúng bến nước để tạ ơn thần linh, cầu mong những điều tốt đẹp tiếp tục đến với cuộc sống con người.
Lễ cúng bến nước truyền thống người Ê Đê có bốn cấp độ khác nhau và tính theo số lẻ ché rượu từ 1 đến 7; thấp nhất là 1 con heo và 1 ché rượu tổ chức trong 1 ngày, cao nhất là 1 con heo tạ và 7 ché rượu lớn tổ chức trong 3 ngày 3 đêm. Khuôn khổ lễ cúng ở từng buôn làng, thời gian, quy mô lớn hay nhỏ phần chính dựa vào ý kiến của chủ bến nước đồng thời cũng là già làng, và phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tế trong năm đó. Trước những tác động của đời sống hiện đại, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lễ cúng bến nước là tâm huyết của Già làng Oi Trut cũng như người dân Ê Đê địa phương.
Nước là cội nguồn sự sống. Lễ cúng bến nước ngoài thể hiện lòng biết ơn với trời đất, thiên nhiên đã ban tặng, còn thể hiện ước nguyện gìn giữ cuộc sống bình yên, ổn định và phát triển.
Đây cũng là dịp để người dân buôn làng gặp gỡ, chia sẻ, động viên nhau, cùng nhau uống rượu ché, đánh cồng chiêng, nhảy arap xua đi những điều không may mắn, hướng đến một năm mới với nhiều thắng lợi mới.
VĂN THÙY