Bảo tồn, phát huy giá trị men rượu cần truyền thống người Ê Đê |
Ché rượu cần là biểu tượng văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và người Ê Đê ở Phú Yên nói riêng. Từ xa xưa, họ đã đúc rút kinh nghiệm và truyền qua các thế hệ công thức chế biến men rượu cần từ những nguyên liệu tự nhiên. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế thị trường khiến men rượu truyền thống dần mai một, cần được bảo tồn, phát huy giá trị.
Nguyên liệu chế tạo men rượu ché là vỏ cây bìn lin, loại cây tự nhiên thân gỗ thường mọc trên đồi rừng; thân cây mía sẻ mọc hoang ở ven suối, củ riềng, ớt tươi, lá Êjao, loại lá xanh người Ê Đê hay dùng để nấu canh bồi và gạo ngâm nước. Hỗ hợp trên được chọn theo tỷ lệ, cho vào cối giã nhuyễn, vo thành viên và đưa lên gác bếp bảo quản lấy ra dùng dần.
Từ loại men này người Ê Đê kết hợp với cơm gạo, cho vào ché để ủ thành rượu. Tuy nhiên để có một ché rượu ngon thì người bốc rượu phải chọn những thời điểm thư thái nhất, không buồn rầu nóng giận, không bực tức, không cãi nhau. Như vậy, ché mới cho rượu thơm, ngon, người uống không đau đầu, vui vẻ và không giận dữ. Ngày nay, cây bìn lin, mía sẻ dần một khan hiếm, bên cạnh đó xuất hiện nhiều loại men rượu giá rẻ, mua bán tiện lợi nên việc sản xuất men rượu truyền thống ngày càng mai một.
Ché rượu cần là vật không thể thiếu, hiện diện ở tất cả các nghi lễ cộng đồng như lễ cúng bến nước, cúng cổng làng, lễ mừng tuổi, mừng lúa mới, nhà mới. Với người Ê Đê nơi đây, dù giàu hay khó cũng đều có một vài ché rượu để sẵn chờ khi có khách quý tới thăm. Cùng với các món ẩm thực như canh bồi, canh lá sắn, bò một nắng, muối kiến vàng. Thêm một “ché rượu vui” sẽ là những ấn tượng đẹp cho những du khách khám phá văn hóa bản địa cùng cộng đồng người Ê Đê Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.