Phát huy vai trò già làng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự địa phương

12:45, 28/12/2021 [GMT+7]

 

Phát huy vai trò già làng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự địa phương
Phát huy vai trò già làng trong công tác đảm bảo an ninh trật tự địa phương

 

Tại các huyện miền núi trong tỉnh hiện có 30 cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống ở các xã, trong đó, đông nhất là đồng bào Ê đê, Chăm và Bana với những nét văn hoá rất đặc trưng. Ở những nơi này, vai trò già làng được phát huy rõ nét trên mọi mặt của đời sống.

Gắn bó với vùng đất này hơn 80 năm, đôi chân của già làng Lơ Mô Tư, người dân tộc Ba Na, ở xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân… tuy không còn nhanh nhẹn, nhưng mỗi khi lên rẫy, ông thường xuyên đến đỉnh dốc Ruộng - nơi gắn bó với hoạt động cách mạng của mình năm xưa. Đến nơi đây, ông cùng con cháu vừa ôn lại những chuyến tích hào hùng của dân tộc trong những ngày chiến đấu gian khổ, cũng như hướng dẫn con cháu về cách làm kinh tế trên mảnh đất quê mình. Trong cuộc sống hàng ngày, ông luôn căn dặn bà con trong buôn làng, các thế hệ trẻ chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; bảo tồn các bản sắn văn hóa dân tộc; nỗ lực học tập vươn lên trong cuộc sống.

Một buổi sinh hoạt của tổ tự quản dòng họ Ksor, xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh. Những thông tin về các vụ việc gây tranh cãi, mất đoàn kết trong dòng họ hay những biểu hiện vi phạm pháp luật của người dân trong buôn làng…. đều được đưa ra phân tích, trao đổi và tìm cách tháo gỡ. 4 dòng họ trong xã Ea Lâm là 4 tổ tự quản. Với uy tín của mình, già làng đứng ra hòa giải các mối mâu thuẫn. Khi người dân trong làng đoàn kết, nhất trí hòa thuận với nhau thì các thế lực thù địch sẽ khó có cơ hội lợi dụng lôi kéo.

An ninh chính trị được giữ vững tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách phát triển kinh tế vùng miền núi của tỉnh ta. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh ta đã đầu tư hơn 574 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Đường giao thông đi lại thuận tiện, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa khang trang… Sự đầu tư này đã giúp cho việc thông thương hàng hóa được tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 4-5%, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm khu vực miền núi đạt gần 12% năm, cao hơn bình quân chung cả tỉnh Phú Yên.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, giờ đây mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh ta đã được nâng cao rõ rệt so với trước. Trở về sau một ngày làm việc vất vả trên nương, trên rẫy, người dân trong làng lại hòa mình cùng tiếng cồng, tiếng chiêng.

Đặng Dự - Đức Thuận