Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp từ việc đẩy mạnh công nghiệp hóa

10:57, 04/10/2021 [GMT+7]

Với xu thế hội nhập và phát triển, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN vào sản xuẩn nông nghiệp là hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững. Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025), đã đề ra các nhiệm vụ giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, trong đó tập trung đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển sản phẩm theo chuỗi, tạo ra các sản phẩm chủ lực, có chất lượng, giá trị kinh tế là một trong những nội dung quan trọng nhằm phát triển nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Để đạt mục tiêu này, ngay sau Đại hội, các ngành, các đơn vị doanh nghiệp của tỉnh đã nhanh chóng đề ra các giải pháp triển khai.

.
 

Nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng của tỉnh với giá trị sản xuất khu vực nông, lâm, thủy sản bình quân chiếm 26,4% tổng giá trị sản phẩm trong cơ cấu nền kinh tế. Đến nay, Phú Yên bước đầu đã thành công trong việc hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao liên kết với chuỗi cung ứng liên kết. Nổi bật nhất là Khu Nông nghiệp Ứng dụng Công nghệ cao Phú Yên trong thời gian gần đây, đã cùng với ngành nông nghiệp và các nhà đầu tư đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật cho người dân, giúp nông dân từng bước thay đổi tư duy, phương thức sản xuất.

Sau 5 năm thực hiện đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và đẩy mạnh ứng dựng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp, Phú Yên đã đạt được kết quả bước đầu phấn khởi. Mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt hơn 3,9%/năm, cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch theo hướng phát huy lợi thế, sản phẩm có giá trị gia tăng cao; có đóng góp quan trọng vào việc nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương; mối liên kết giữa người dân và các doanh nghiệp nông nghiệp cũng được gắn kết hơn trước thông qua các chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Với mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 bình quân đạt 3,5-4%/năm, đóng góp khoảng 20%; giai đoạn 2026-2030 đạt 3-3,5%/năm, đóng góp khoảng 15% tổng giá trị trong cơ cấu nền kinh tế tỉnh... Tỉnh Phú Yên xác định tập trung triển khai 7 nhiệm vụ, giải pháp đột phá, đó là: Tập trung rà soát quy hoạch, định hướng các khu, vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng của tỉnh; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ vào các khâu sản xuất nông nghiệp; Thúc đẩy cơ giới hóa, tự động hóa nông nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến nông sản, công nghiệp phục vụ nông nghiệp và dịch vụ logistics; Mở rộng quy mô, diện tích sản xuất sản phẩm sạch, triển khai đồng bộ và quyết liệt các giải pháp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm; Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết kết chuỗi giá trị; Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản; Phát triển kết cấu hạ tầng, huy động các nguồn lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Để đạt mục tiêu đề ra, ngay trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết ĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ngành nông nghiệp tỉnh tập trung rà soát, xác định lợi thế của từng địa phương và nhu cầu thị trường, trọng tâm là các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; ban hành cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh; xây dựng các đề án tổng thể phát triển nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi  và phòng chống dịch bệnh; triển khai đẩy mạnh phát triển rừng bền vững và chứng chỉ rừng, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong đầu tư quản lý rừng bền vững gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm nghiệp.

An Bang - Quốc Hoàn

Nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp từ việc đẩy mạnh công nghiệp hóa