Hiệu quả đề án tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số |
Qua 4 năm tích cực thực hiện đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020”, chất lượng học tập của trẻ em dân tộc thiểu số các huyện miền núi của tỉnh ngày càng chuyển biến tích cực, học sinh mạnh dạn, tự tin và thích đến trường. Và trong hành trình giúp các em nghe - hiểu tốt tiếng Việt đó có tiếng cười của trẻ và những giọt mồ hôi của các cô giáo đang ngày đêm đồng hành đưa các em đến tìm con chữ.
Năm học 2019-2020, trường Tiểu học Eabia, huyện Sông Hinh có 57 học sinh bước vào lớp 1 và 100% là con em đồng bào dân tộc thiểu số, các em chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Trong buổi học hôm nay, có em được anh - chị, cha - mẹ chở tới nhưng cũng nhiều em cách xa điểm trường hàng km thì được cô giáo trực tiếp đến nhà đưa tới lớp cùng chúng bạn.
Để giúp các em tiếp thu, cải thiện vốn tiếng Việt, đòi hỏi giáo viên phải tâm huyết và tận tình. Theo những người công tác lâu năm như cô Hà Thị Hồng Minh, thì việc để giúp học sinh nói tiếng Việt thành thạo, nhận biết chữ cái, chữ số, giáo viên phải dùng tất cả tâm huyết để hỗ trợ cho các em. Bên cạnh việc dạy tiếng Việt, dịp hè cũng là thời gian để cô tìm hiểu về hoàn cảnh từng em, từ đó có giải pháp giúp đỡ phù hợp những em có hoàn cảnh khó khăn hoặc vận động các em đến lớp đầy đủ.
Còn tại trường Tiểu học Xuân Lãnh 1, huyện Đồng Xuân, sau hơn 1 tháng thầy – trò “vật lộn” với những chữ cái, con số… những rụt rè, e ngại trước đây đã không còn. Các em đã tự tin đọc bài, phát biểu sôi nổi… Trước khi bước vào đây, các em có mức độ tiếp thu bài từ thầy, cô khác nhau nhưng đến nay, gần 80 em học sinh lớp 1 ở đây đều đã đọc rõ và viết đẹp tiếng Việt.
Không chỉ thầy cô, cha mẹ là những cầu nối để tăng cường tiếng Việt cho các em mà ngay từ những ngày bắt đầu năm học mới này, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn hướng dẫn dạy tăng cường tiếng Việt theo bộ sách mới “Em nói tiếng Việt” do Bộ giáo dục và Đào tạo vừa ban hành. Bộ sách dành cho học sinh lớp 1 có 45 bài, tập trung ở các chủ điểm như Trường học của em; Gia đình của em; Thế giới xung quanh em; Em tham gia giao thông; Bản làng của em…
Giáo dục miền núi hôm nay đã có nhiều đổi thay và trong những gam màu sáng ấy không thể không nhắc tới vai trò của những người như cô Minh, thầy Lâm…. Họ chính là những người đưa các em nhỏ còn nhiều rụt rè, e ngại đến với con chữ, đến với trí thức và cũng chính họ là những người trực tiếp góp phần đưa Đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số về đích trước thời hạn../.
Lê Hùng