Phát triển kinh tế từ cây sen |
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây, con có giá trị kinh tế cao vào nuôi trồng nhằm nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích, từ cuối năm 2018, ông Nguyễn Đồng Vân, ở thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đã quyết định chuyển đổi từ diện tích trồng lúa bấp bênh về nước tưới sang mô hình trồng sen lấy hạt. Sau 8 tháng trồng và chỉ mới thu hoạch vụ sen đầu tiên, ông Vân đã thu hồi lại 100% vốn đầu tư và thu lãi khoảng hơn 100 triệu đồng.
Từ việc canh tác vài sào lúa nước hai vụ nhưng thường xuyên bấp bênh vì thiếu nước tưới vào mùa khô, năng suất và sản lượng thu hoạch lúa không cao. Cuối năm 2018, ông Vân, đã mạnh dạn đầu tư, thuê thêm hơn 2ha đất ruộng cũng bấp bênh về nước tưới để chuyển đổi sang trồng cây sen lấy hạt được mua giống từ tỉnh Đồng Tháp.
Để có thị trường tiêu thụ hạt sen ổn định, không lo bấp bênh về giá, thì trước khi đầu tư, ông Vân đã bỏ thời gian đi chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, tìm hiểu thị trường và tìm đơn vị ký kết hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm hạt sen sau thu hoạch.
Bên cạnh việc trồng sen lấy hạt, ông Nguyễn Đồng Vân còn tận dụng 2,5 ha diện tích mặt nước trồng sen để thả nuôi thêm cá lóc, cá trê và rô phi… vừa có nguồn phân bón tự nhiên, cung cấp dinh dưỡng cho cây sen cuối vụ một có sức phát triển vụ 2 trong năm, lại vừa có thêm thu nhập từ thu hoạch cá.
Sen hiện nay là một loại nông sản đang mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân. Tuy không phải là người đầu tiên thành công với loại mô hình này, nhưng mô hình trồng sen lấy hạt của ông Nguyễn Đồng Vân, thị trấn Hòa Vinh, huyện Đông Hòa đang tiếp tục khẳng định về hiệu quả kinh tế của cây sen mang lại khi thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả./.
Như Nguyện – Phương Yên