Thương mại dịch vụ là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với mức tăng trưởng hàng năm, cùng với hạ tầng cơ sở ngày càng được đầu tư, mở rộng, lĩnh vực này sẽ còn đạt được những thành tựu mới trong thời gian tới.
Người dân mua hàng tại Trung tâm thương mại Vincom Tuy Hòa - Ảnh: Võ Phê |
Tốc độ phát triển nhanh
Theo bà Nguyễn Thị Kim Bích, Phó Giám đốc Sở Công thương, những năm qua, ngành thương mại dịch vụ của tỉnh tăng trưởng đều qua các năm với giá trị tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 14%/năm. Đây là một trong những lĩnh vực có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chỉ tính trong năm 2017, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội đạt 27.700 tỉ đồng; 5 tháng đầu năm 2018 đạt 15.574 tỉ đồng, tăng hơn 16% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị tổng sản phẩm cùng thời kỳ.
Kết quả trên có được phải kể đến nhiều yếu tố như trình độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hạ tầng kỹ thuật thương mại, dịch vụ ngày càng mở rộng... Hiện trên địa bàn tỉnh, Siêu thị Co.opMart Tuy Hòa, Trung tâm thương mại Vincom đang hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, mạng lưới chợ truyền thống cũng phát triển theo đúng quy hoạch thương mại; luôn duy trì tốc độ gia tăng và giữ vai trò quan trọng trong khâu mua bán, phân phối hàng hóa với số lượng lớn. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có 141 chợ; trong đó có 1 chợ loại 1, 7 chợ loại 2, 133 chợ loại 3, chợ nông thôn, chợ tạm. Phần lớn các chợ có chức năng bán lẻ, kinh doanh hàng hóa tổng hợp và hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa trong dân cư. Ngoài ra, việc đẩy mạnh triển khai mô hình đại lý, cửa hàng hiện đại cũng được Sở Công thương và các địa phương chú trọng. Ngoài 26 cửa hàng tiện lợi hiện có, các cửa hàng, đại lý phân phối khác từng bước được các đơn vị hỗ trợ, hướng dẫn để mở rộng quy mô cơ sở, trở thành điểm bán tin cậy của người dân ở các địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết: Hầu hết các điểm bán có quy mô lớn ở Phú Yên hiện nay đều chú trọng lựa chọn hàng hóa có chất lượng với số lượng hàng hóa lớn và bán với giá thị trường, phù hợp với từng loại nhãn hàng khác nhau. Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh, phân phối đã tạo điều kiện tốt nhất để các nhà cung cấp, HTX, người dân trong tỉnh cung ứng hàng hóa; góp phần tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương, tiết giảm chi phí trung gian để bán hàng giá tốt cho người tiêu dùng. Thương mại, dịch vụ phát triển làm cho hoạt động trao đổi, giao lưu hàng hóa ngày càng sôi động hơn.
Cần tiếp tục đầu tư
Cũng theo Sở Công thương, tuy thương mại, dịch vụ có sự tăng trưởng nhưng chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, hoạt động thương mại còn ở quy mô nhỏ, thiếu tính liên kết, kém khả năng cạnh tranh, gây cản trở việc hình thành hạ tầng thương mại hiện đại và đồng bộ. Phương thức kinh doanh cũng còn hạn chế, trình độ đội ngũ quản lý doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển hiện đại. Hoạt động thương mại chưa thu hút đầu tư nước ngoài nên khó xuất hiện cơ sở kinh doanh kiểu mới với quy mô lớn. Các kênh phân phối mới còn đơn điệu, chủ yếu bán lẻ truyền thống. Các dịch vụ hỗ trợ logistics chưa có nên chưa thúc đẩy thương mại hay tạo liên kết giữa doanh nghiệp, sản xuất và thương mại… Trước thực tế đó, Sở Công thương đang cùng với các ngành liên quan, chính quyền các địa phương nỗ lực khắc phục khó khăn, thu hút mọi nguồn lực đầu tư, hỗ trợ… để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại đồng bộ, hài hòa giữa thương mại truyền thống và hiện đại, tương thích với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh và từng địa phương.
Ngoài nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, vai trò của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng góp phần thúc đẩy thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Theo đại diện Trung tâm hội nghị PYTOPIA, là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh, đơn vị này luôn ý thức rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng không chỉ giúp doanh nghiệp có điều kiện kinh doanh hiệu quả mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của tỉnh. Do vậy, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy các dự án hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho tỉnh, tạo việc làm cho lao động địa phương.
Còn ông Phan Hữu Thọ, Giám đốc Công ty TNHH Nông nghiệp sạch Mầm Xanh, TP Tuy Hòa, cho hay: Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh cần được phân phối trong hệ thống bán lẻ nhiều hơn để tăng lượng tiêu thụ. Với mong muốn hỗ trợ người trồng rau xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa ổn định đầu ra, hạn chế rủi ro về kinh tế, chúng tôi đã làm việc với địa phương trực tiếp hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, cách thu hoạch, bảo quản và đang kết nối với các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh để có thể bảo đảm tiêu thụ lâu dài; sau đó sẽ hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các hộ dân; đồng thời hình thành điểm phân phối các sản phẩm rau an toàn tại địa phương.
Liên quan đến việc làm thế nào để thương mại dịch vụ tiếp tục tăng trưởng, bà Nguyễn Thị Kim Bích cho biết: Công tác quản lý nhà nước về thương mại dịch vụ đã từng bước đổi mới. Chất lượng kiểm tra, giám sát thị trường luôn được nâng lên và tác động tích cực đến việc lập lại trật tự trên thị trường, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng, khắc phục tình trạng gian lận thương mại… Để lĩnh vực này tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu thị trường và xu thế phát triển chung của cả nước, Sở Công thương đang xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch hạ tầng thương mại chung của tỉnh; thu hút, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư để hoàn thiện hạ tầng cơ sở, phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trong thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các hoạt động thiết thực nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất xây dựng và bảo vệ thương hiệu; xúc tiến, mở rộng thị trường phân phối, quảng bá… góp phần thúc đẩy tiêu dùng hàng hóa trong nước.
Võ Phê
Nguồn "Trang thông tin điện tử Báo Phú Yên"