Khoa học kỹ thuật - yếu tố quan trọng để phát triển cây sầu riêng tại huyện Sông Hinh |
Trong những năm gần đây giá sầu riêng tăng cao, mang lại thu nhập cho người trồng khiến nông dân đang đổ xô vào trồng loại cây này. Tuy, sầu riêng có giá trị kinh tế cao, nhưng loài cây này cũng đòi hỏi kỹ thuật cao trong việc trồng và chăm sóc. Do đó, để cây sầu riêng phát triển, mang lại thu nhập cho người trồng thì kỹ thuật được coi là một trong những yếu tố then chốt mang lại thành công. Câu chuyện được nghi nhận tại huyện Sông Hinh, địa phương đang gia tăng nhanh diện tích trồng sầu riêng trong những năm gần đây.
Đây là vườn sầu riêng rộng 6ha với 900 cây của gia đình ông Cao Nguyên Lâm, xã Ea Bar. Hiện vườn đang có 600 cây cho trái thu hoạch năm thứ 2. Để có được vườn cây như thế này ông Lâm đã thất bại nhiều lần vì chưa nắm rõ kỹ thuật trồng cây sầu riêng, một loại cây mới trên vùng đất Sông Hinh. Với kinh nghiệm của mình ông Lâm cho rằng, để trồng được cây sầu riêng thì kỹ thuật là điều rất quan trọng.
Theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp tại tọa đàm khoa học “Ứng dụng KH-CN trong sản xuất nông nghiệp cho cây sầu riêng" vừa được tổ chức tại huyện Sông Hinh. Huyện Sông Hinh và một số vùng trên địa bàn tỉnh Phú Yên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng có thể phát triển cây sầu riêng. Tuy nhiên, với một vùng trồng mới, nông dân chưa có kinh nghiệm thì việc hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân là rất cần thiết. Đặc biệt là định hướng về giống và công nghệ trồng theo chuẩn.
Tính đến năm 2021, huyện Sông Hinh có hơn 286ha sầu riêng và đang gia tăng hàng năm. Hiện, việc phát triển cây sầu riêng tại địa phương này vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, phân tán; khả năng đầu tư thâm canh thấp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới còn hạn chế. Theo định hướng của huyện Sông Hinh, đến năm 2030 địa phương dự kiến sẽ có 1.000ha cây sầu riêng, trên 50% là diện tích trồng tập trung. Với định hướng phát triển như vậy thì nhu cầu kỹ thuật của nông dân sẽ rất lớn, địa phương cũng cần có những phương án phát triển cụ thể.
Để phát triển cây sầu riêng bền vững việc hỗ trợ cho nông dân kỹ thuật, công nghệ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là điều rất cần thiết. Trong đó, phát triển các mô hình điểm, chuẩn về giống, kỹ thuật chăm sóc sẽ giúp nông dân học hỏi được kinh nghiệm trồng loại cây mới. Giúp phát triển diện tích đi đôi với chất lượng, tạo ra vùng trồng có kỹ thuật thâm cạnh cao trong tương lai./.
Đắc Lâm - Quốc Hoàn