Nông nghiệp tiếp tục khẳng định trụ đỡ của nền kinh tế |
Chúng ta vừa bước qua năm 2020 đầy khó khăn, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng phức tạp, biến đổi khí hậu, nhưng ngành nông nghiệp không chỉ tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, mà còn vươn lên trở thành ngành kinh tế ổn định, phát triển bền vững, nhiều ngành hàng của tỉnh tham gia sâu vào hội nhập kinh tế thế giới... Đây chính là cơ sở quan trọng để Phú Yên tiếp tục thực hiện các mục tiêu phát triển, cơ cấu lại ngành đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Trên đồng ruộng, máy cày, máy gặt đã thay con người ở nhiều khâu sản xuất đến thu hoạch. Đó là hình ảnh dễ nhận thấy trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh trong những năm gần đây, khi ngành nông nghiệp tỉnh triển khai cơ cấu lại theo hướng giảm sức lao động, nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
2020 vừa qua là một năm đầy khó khăn đối với bà con nông dân, nhất là khâu tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất giúp giảm chi phí, nên có thời điểm nông sản dù bị rớt giá nhưng ngành nông nghiệp và bà con nông dân cũng đã tìm cách vượt qua, góp phần đưa nông nghiệp của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2,93%. Trong đó, sản lượng lương thực đạt trên 41 vạn tấn, chăn nuôi gia súc gia cầm tăng 10,7%, độ che phủ rừng đạt 45% (hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra); nuôi trồng thủy sản tăng 0,3%; trên 67% số xã của tỉnh được công nhận xã nông thôn mới. Theo Sở NN&PTNT, trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, kéo theo nhiều tác động tiêu cực đến thị trường nhưng nông nghiệp góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển của tỉnh.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế, điều này khẳng định sự ổn định của ngành nông nghiệp đối với kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh lương thực của tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều tồn tại được nhìn nhận, đánh giá lại sau 5 năm triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, công tác nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin, hình thành nền sản xuất nông nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên chưa cao. Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hữu Thế cho biết: tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tăng cường chế biến sâu, mở rộng các mô hình kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao trong thời gian tới.
Để ngành nông nghiệp đạt mục tiêu tăng trưởng trên 3% trong năm 2021 và tốc độ tăng trưởng bình quân từ 3,5-4% giai đoạn 2021-2025 trong bối cảnh còn gặp nhất khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, ngành nông nghiệp tỉnh quyết tâm tập trung cơ cấu lại ngành theo hướng thực chất, hiệu quả hơn; tạo được sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của toàn xã hội trong năm 2021. Từ đó, nâng cao quy mô và trình độ sản xuất, chuyển dịch mạnh sang sản xuất hàng hóa trên cơ sở phát huy các tiềm năng, lợi thế từng vùng, miền để bảo đảm sức cạnh tranh, an toàn thực phẩm, thích ứng và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu và các rủi ro phi khí hậu gây ra. Ưu tiên của ngành nông nghiệp tỉnh là tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, tín dụng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhiều hơn. Đồng thời từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản, quy phạm pháp luật để huy động nguồn lực, thu hút đầu tư cho phát triển ngành; chú trọng hơn đến khâu chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.
An Bang – Quốc Hoàn