Sức lan tỏa từ chính sách "Tam nông"

23:14, 24/01/2021 [GMT+7]

 

Sức lan tỏa từ chính sách “Tam nông”
Sức lan tỏa từ chính sách “Tam nông”

 

Nghị quyết số 26 ngày 5/8/2008 về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn của Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa X nhiều năm qua luôn nhận được sự hưởng ứng đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Sau hơn 10 năm triển khai, đây là Nghị quyết đi vào cuộc sống nhanh chóng, tạo ra kết quả nổi bật mà chúng ta có thể nhìn thấy rõ nhất qua sự phát triển và đổi mới sinh động về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn tại tất cả các địa phương trên địa bàn tỉnh.


Cốt lõi của Nghị quyết về “Tam nông” và điều khiến cho Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống là Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong đó, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM là một công cụ định lượng, đo đếm được, dễ hiểu, dễ nhớ… được các cấp ủy đảng và người nông dân nắm bắt nhanh, triển khai thuận lợi, tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân khi triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách và mục tiêu đề ra trong xây dựng NTM.

Với những cách làm sáng tạo, các địa phương đã thu hút nguồn lực đa dạng, xây dựng phong trào thi đua rộng khắp, tạo nên sức sống, sự lan tỏa mạnh mẽ của Nghị quyết đến từng địa phương. Nổi bật là kinh tế nông nghiệp - nông thôn phát triển nhanh, trình độ sản xuất của nông dân tăng lên đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm, đời sống người dân được nâng cao, tỷ lệ thuận với niềm tin của nhân dân dành cho Đảng, Nhà nước.

Nông dân thế hệ mới đã ứng dụng, làm chủ công nghệ hiện đại và làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao toàn tỉnh hơn 56.400 ha, giá trị sản xuất bình quân hơn 400 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình có giá trị sản xuất hơn một tỷ đồng/ha và tiệm cận nền nông nghiệp 4.0.

Qua thực tế triển khai thực hiện Nghị quyết “ Tam nông” trên địa bàn tỉnh cho thấy: Kinh nghiệm quý mà tỉnh rút ra sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết là phải làm tốt công tác tư tưởng nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và nhân dân, tạo sự đồng thuận thống nhất cao; phát huy vai trò lãnh đạo điều hành của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền có ý nghĩa quyết định; xây dựng các đề án tái cơ cấu nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; thực hiện cơ chế chính sách hỗ trợ về xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu nền nông nghiệp; đổi mới cơ chế quản lý nông nghiệp, nông thôn; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở… đã giúp cho đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, xuất hiện nhiều cách làm mới, lan tỏa nhiều mô hình hay trong hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nông dân trên địa bàn tỉnh./.

Như Nguyện