Hiệu quả mô hình nuôi heo đen bán thả rông |
Nuôi heo đen là truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao Sông Hinh. Tuy nhiên, do nuôi thả rông nên tỷ lệ hao hụt nhiều, không đảm bảo vệ sinh môi trường và phần lớn chỉ để phục vụ nhu cầu của gia đình. Thực hiện Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, từ năm 2017, huyện Sông Hinh đã triển khai mô hình nuôi heo đen bán thả rông. Bước đầu thực hiện, mô hình đã mở ra hướng mới để người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Tận dụng mảnh đất cuối vườn rộng 400m2, Ma Nít đã dựng chuồng thả 10 con heo đen giống, trong đó có 9 heo nái và 1 heo đực. Sau 8 tháng, đàn heo của Ma Nít đã sinh sản lứa đầu được 43 con. Những con heo con này còn một tháng nữa mới xuất chuồng, nhưng phần lớn đã được các tư thương đặt mua với giá 550 nghìn đồng một con. Chỉ sau thời gian ngắn, sau khi trừ chi phí, Ma Nít bỏ túi 15 triệu đồng, số tiền này gần bằng một hecta sắn của Ma Nít trong vụ vừa qua.
Giống như Ma Nít, chị Thìn ở buôn Thu, xã Ea Trol nuôi 10 con heo đen theo hình thức bán thả rông. Chị Thìn cho hay, việc nuôi heo không tốn quá nhiều thời gian, chỉ cần tận dụng các công phụ trong gia đình là đủ. Chiếc máy thái rau này cũng góp phần lớn giảm chi phí nhân công nuôi đàn heo.
Mô hình nuôi heo đen bán thả rông là một trong những nội dung của dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi năm 2017 được huyện Sông Hinh triển khai. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống nuôi, máy thái rau, thuốc thú y, kỹ thuật và một phần tiền làm chuồng trại, mua thức ăn. Qua đánh giá thực tế cho thấy, mô hình mang lại hiệu quả, trên 50% số heo nái đã sinh sản lứa đầu, tỷ lệ heo con sống đạt cao. Không chỉ khắc phục được những hạn chế của nuôi heo đen truyền thống, mô hình nuôi heo đen bán thả rông còn mở ra hướng mới để người dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập ./.
Văn Thùy