SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

08:03, 06/05/2024 [GMT+7]

 

SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953 -1954, đánh dấu sự phát triển cao nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, điều đó thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật. Những nghệ thuật quân sự này vẫn giữ nguyên giá trị và là những kinh nghiệm quý báu để quân và dân ta vận dụng sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Cách đây 70 năm, với vị trí chiến lược quan trọng, Điện Biên Phủ được quân đội Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh mà quân Pháp gọi là một "Pháo đài bất khả xâm phạm”.  Trên cơ sở phân tích khoa học, chính xác tình hình, tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến và giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tổng chỉ huy. Ban đầu quân đội ta chủ trương “Đánh nhanh, thắng nhanh” nhằm hạn chế những khó khăn về mặt hậu cần. Tuy nhiên, sau khi đánh giá, nghiên cứu kỹ tình hình mọi mặt, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương châm này là quá mạo hiểm. Với tinh thần, trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân, đại tướng đã quyết định chuyển phương châm từ “ đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Lịch sử đã chứng minh việc thay đổi phương châm tác chiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch là hoàn toàn sáng suốt. 

Cùng với việc thay đổi phương châm tác chiến, lối đánh xung phong trực diện được chuyển sang đánh vây lấn, đào chiến hào áp sát cứ điểm của địch. Tận dụng địa hình thực dân pháp đã đặt cứ điểm trên đồi cao, mang tính phòng thủ, do vậy, để tấn công được thì nhiệm vụ đặt ra với bộ đội ta là phải tiêu diệt những điểm cao. Chiến thuật hầm hào đã được quân ta áp dụng, có lẽ chiến thuật này cũng là một trong những điều mà người Pháp không ngờ tới. Bất kể ngày đêm, hàng nghìn chiến sĩ của ta vừa cầm súng, vừa cầm xẻng. Những đường hào chằng chịt như sợi dây thòng lọng, từ từ bóp chặt các quả đồi, chia cắt tập đoàn cứ điểm, khiến cho quân Pháp dần rơi vào tình thế khốn đốn.

Trong quá trình thực hành tác chiến bao vây bằng hệ thống hầm hào, các đợt tấn công lên các cao điểm của quân ta còn được yểm trợ bởi Pháo binh và Pháo cao xạ.

SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ
SÁNG TẠO NGHỆ THUẬT QUÂN SỰ TRONG CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

Sau 56 ngày đêm chiến đấu kiên cường và anh dũng, 7/5/1954 Chiến dịch Điện Biên Phủ đã toàn thắng. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã để lại nhiều bài học quý bằng nghệ thuật, cách đánh sáng tạo của chiến tranh Nhân dân Việt Nam. Mặc dù không có máy bay, xe tăng, pháo lớn lại xa hậu phương nhưng chúng ta đã chiến thắng. Đó là thắng lợi của tiến công lấy nhỏ thắng lớn, lấy thô sơ thắng hiện đại, từ nghệ thuật tổ chức chỉ huy và phát huy sức mạnh của chiến tranh Nhân dân đến nghệ thuật tổ chức chuẩn bị và điều hành chiến dịch… những bài học đó sẽ tiếp tục được nghiên cứu, kế thừa và vận dụng sáng tạo trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.  

Đào Phương – Bùi Tiến