Xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 – Vướng mắc từ thực tiễn |
Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu chính thức có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Đây là lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu được giải quyết. Tuy nhiên, thực tế triển khai tại các địa phương vẫn vấp phải nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đến ngày 30/6/2018, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã xử lý được 74 tỷ 531 triệu đồng nợ xấu. Con số này khá khiêm tốn, chỉ chiếm 9,58% trong tổng số nợ xấu theo Nghị quyết 42. Mặc dù, Nghị quyết này đã tạo ra hàng loạt các cơ chế cho ngân hàng, tổ chức tín dụng như quyền thu giữ tài sản đảm bảo; áp dụng thủ tục rút gọn giải quyết tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo; cho phép tổ chức, cá nhân không có chức năng kinh doanh, mua bán nợ được mua nợ xấu…thế nhưng, thực tế triển khai vẫn còn bất cập...
Trong trường hợp phải cưỡng chế, thu giữ tài sản đảm bảo của bên vay, Nghị quyết 42 đã quy định trách nhiệm phối hợp của địa phương sở tại và cơ quan công an. Thế nhưng, việc thu hồi nợ chủ yếu vẫn phụ thuộc vào thái độ của khách hàng .
Tại buổi khảo sát về tình hình xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Phú Yên mới đây, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên Nguyễn Hồng Vân cho rằng: Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cần tháo gỡ “nút thắt” từ chính các bộ, ngành trung ương.
Việc ban hành Nghị quyết 42 đã thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu. Vấn đề đặt ra lúc này là tạo ra được cơ chế thực hiện đồng bộ, hiệu quả, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của tổ chức tín dụng./.
Nguyễn Hiền – Quốc Hoàn