Khô hạn - gia tăng gánh nặng cho nông dân |
Nhiều tháng liền trời không có mưa, nhiều diện tích cây trồng ở nhiều xã miền núi của tỉnh đangphải đối mặt với tình trạng khô hạn, thiếu nước nghiêm trọng. Điều này không những gây khó khăn cho sản xuất, tăng chi phí đầu tư mà còn có nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng cuối vụ. Nắng hạn làm gia tăng thêm gánh nặng cho nông dân.
Chỉ trong vài phút, bà Lệ ở xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa đã nhặt lại được từng này hom sắn… Ruộng sắn này đã hơn 3 tháng tuổi. Dễ nhận thấy, vẫn còn quá nhiều khoảnh đất trống...Nhiều lần trồng dặm, nhưng bà Lệ vẫn không thể khỏa lấp những khoảng đất trống trong ruộng sắn. Chi phí cho hom giống đã tăng, nhưng sắn chết thì vẫn tiếp tục. Theo bà Lệ, thời tiết nắng nóng kéo dài từ sau Tết Nguyên đán đến nay chính là nguyên nhân gây chết hom sắn sau trồng.
Theo bà con nông dân, đây là vụ sản xuất mà ngay đầu vụ đã gặp khô hạn nặng nhất trong nhiều năm qua. Chi phí cho tiền cày, tiền hom giống, công trồng một hec-ta sắn đến lúc này đã tốn gần chục triệu đồng. Thời điểm này, cây sắn rất cần nước để phát triển thân, lá, chuẩn bị phát triển củ. Dù vậy, những người trồng sắn vẫn cứ trông đợi trời mưa. Việc bón phân thì vẫn phải bón nhưng không dám chắc cây sắn có tiếp nhận, hấp thu được lượng phân bón này hay không khi mà trời không mưa?
Khô hạn đang là thực tế chung ở các địa phương miền núi của tỉnh. Lượng nước tích trữ từ các hồ chứa và sông suối lúc này là khá thấp. Nhiều nông dân cũng đã chủ động chuyển đổi từ cây lúa sang trồng một số loại hoa màu chịu hạn khác, nhưng thiếu nước tưới đang là trở ngại lớn nhất vào lúc này.
Theo dự báo, thời tiết nắng nóng trên địa bàn tỉnh tiếp tục kéo dài đến tháng 7. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã chủ động chuyển đổi gần 600ha diện tích sản xuất nông nghiệp sang các loại cây trồng chịu hạn. Dù vậy, với diễn biến thời tiết bất lợi như hiện nay, vẫn rất khó để nông dân có thể sản xuất hiệu quả.
Nhiều nông dân chấp nhận đầu tư chi phí lớn để lắp đặt hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Giải pháp này được đánh giá hiệu quả nhất trong điều kiện nguồn nước khang hiếm hiện nay. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lớn chính là trở ngại để nông dân có thể áp dụng rộng rãi các mô hình tưới nước nhỏ giọt, tưới nước tiết kiệm ở các địa phương miền núi.
Như Thùy, An Bang