QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

09:35, 22/06/2023 [GMT+7]

 

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Sáng ngày 21.6, tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội khóa XV họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tham gia góp ý Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo đại biểu Đỗ Chí Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, dự thảo Luật quy định, Nhà nước khuyến khích việc sử dụng đất vào mục đích phát triển văn hóa, y tế, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao, khoa học, công nghệ và môi trường. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thì phải được quản lý nghiêm ngặt. Đại biểu đặt vấn đề, cần thực hiện giải pháp nào để ưu tiên với đất đang được sử dụng cho mục đích văn hóa, giáo dục, tránh chuyển đổi sang mục đích lợi nhuận. Từ thực tế, đại biểu cho biết nhiều đất của trường học, các cơ sở văn hóa rất được các nhà đầu tư quan tâm, khi chuyển sang mục đích sử dụng khác thì việc thu hút người học của các cơ sở giáo dục gặp nhiều khó khăn.

QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)
QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT ĐẤT ĐAI (SỬA ĐỔI)

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đánh giá cao Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực, khẩn trương thực hiện lấy ý kiến và cập nhật, sửa đổi dự thảo Luật Đất đai. Quan tâm tới quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi nhà nước thu hồi đất ở Điều 108 dự thảo Luật, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung một điều khoản về xem xét đến vấn đề giới trong xây dựng các chính sách chuyển đổi nghề. 

Về giám sát của công dân đối với việc quản lý, sử dụng đất đai tại Điều 229, đại biểu cho biết, theo quy định trong dự thảo Luật, công dân tự mình hoặc thông qua các tổ chức đại diện thực hiện quyền giám sát và phản ánh các sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai; quy định về các nguyên tắc, nội dung, hình thức giám sát và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền khi nhận được ý kiến của công dân. Tuy nhiên, Điều 229 không quy định về thời gian các cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm phản hồi lại ý kiến của công dân. Trên thực tế, không phải lúc nào ý kiến của công dân và tổ chức đại diện cho người dân cũng được giải quyết hoặc giải quyết thì rất chậm trễ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung khoảng thời gian cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm thông báo, phản hồi lại ý kiến của người dân./.

 Hồng Thủy – Đức Hưng