Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

11:02, 11/06/2023 [GMT+7]

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 10/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Căn cước, Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Tổ đại biểu số 9 bao gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh là Tổ trưởng điều hành phiên thảo luận. Tham gia thảo luận có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương,; đồng chí Vũ Hồng Thanh, Uỷ viên Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ Ban Kinh tế của Quốc hội.

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về Dự án Luật Căn cước; Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Tham gia góp ý về dự án Luật Căn Cước, đồng chí Phạm Đại Dương, UV Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Về quy định người được cấp thẻ căn cước (Điều 20), đại biểu nhất trí quy định tại Điều này, đặc biệt là quy định tại khoản 2 về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Đây là quy định mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 14 tuổi; phát huy việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tiện ích cho nhiều dịch vụ, như: khám bệnh, giáo dục, du lịch…

Thảo luận dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú, Đoàn ĐBQH tỉnh cơ bản thống nhất với việc xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Về quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại điều 33, đại biểu cho rằng nguồn tài chính hình thành nên Quỹ từ đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông, không có từ ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 63 ngày 21/12/2016 của Chính phủ.

Cũng liên quan dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị rà soát, sửa đổi, bỏ một số quy định tại Điều 17, 18 của Dự thảo Luật có nội dung trùng lắp, chồng chéo với các quy định của Luật Cạnh tranh 2018. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào điểm a Khoản 2 Điều 34 cụm từ “(bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Chính phủ cho phép thiết lập mạng viễn thông phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích phát triển kinh tế - xã hội)” để đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện./.

Hồng Thủy – Đức Hưng