Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội

07:47, 26/05/2023 [GMT+7]

 

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội

 Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng nay, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023; Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; Phê chuẩn quyết toán Ngân sách Nhà nước năm 2021. Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên tham gia phiên thảo luận tại tổ số 9 cùng ĐBQH các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Ninh và Bến Tre. Đồng chí Phạm Đại Dương, UV BCH TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ. Tham gia trong phiên thảo luận ở tổ số 9 có Thượng tướng Trần Quang Phương UV BCH TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Đa số các đại biểu tán thành cao Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023. Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng chỉ rõ diễn biến tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2023 tiếp tục bộc lộ những khó khăn, thách thức, gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023. Do đó, các đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: tăng trưởng GDP Quý I/2023 đạt 3,32%, mức rất thấp trong điều kiện nền kinh tế đã mở cửa sau khi kiểm soát dịch COVID-19 cho thấy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%) là rất khó khăn. Một số địa phương là trung tâm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu chính của cả nước tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Số lượng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến.

Các ý kiến cũng chỉ rõ, một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả như tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030 chậm so với yêu cầu, vẫn còn 92/111 quy hoạch chưa hoàn thành việc lập, phê duyệt. Bên cạnh đó, tình trạng cơ sở khám chữa bệnh không có thuốc, vật tư y tế trong danh mục được BHYT chi trả để cung cấp cho người có thẻ BHYT vẫn chưa được giải quyết. Ngành giáo dục tiếp tục đối mặt với một số khó khăn như tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu trang thiết bị, phương tiện dạy học…

Góp ý về vấn đề thiếu giáo viên để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 theo Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại biểu Lê Văn Thìn – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng, vấn đề này đã nhiều lần được đề cập tại nghị trường Quốc hội nhưng hiện nay vẫn chưa có giải pháp triệt để, đề nghị Chính phủ cần quan tâm, có giải pháp để đảm bảo việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đạt hiệu quả. Cũng liên quan lĩnh vực giáo dục, đề cập thực trạng tăng học phí ở các trường đại học hiện nay, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên cho rằng đang có những lỗ hỏng trong thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ gây khó khăn cho người dân.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về báo cáo kinh tế-xã hội

 Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 09 ghi nhận các ý kiến đóng góp của các ĐBQH và cho rằng các ý kiến đã đưa ra các nhóm vấn đề bất cập, tìm ra nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp cụ thể để phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2023 và thời gian tới, đề nghị Tổ thư ký tổng hợp lại các ý kiến báo cáo Quốc hội.

Chiều cùng ngày, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đồng thời thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)./.

 Hồng Thủy – Đức Hưng