Từ chỗ kinh tế khó khăn, sản xuất bấp bênh, nhiều hộ nông dân ở Phường Hòa Vinh, Thị xã Đông Hòa đã mạnh dạn đưa giống dây leo sâm nam rừng về trồng trên đất vườn, lấy lá chế biến sâm nam mang lại thu nhập cao cho bà con.
Phát triển dây leo sâm nam trên đất Phú Yên |
Ông Lê Văn Tiên, Phường Hòa Vinh, Thị xã Đông Hòa là một trong những người đi đầu trồng dây leo sâm nam trong vườn nhà. Đây là loại dây leo mà trước đây muốn có nguyên liệu để chế biến sâm nam phải vào núi hái lá. Với 10.000 gốc sâm nam, mỗi tháng ông Tiên thu hơn 1 tạ lá, thu nhập khoảng 7 triệu đồng. Ông Tiên cho biết, lúc đầu chỉ mua lẻ vài gốc về trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả kinh tế ổn định nên sau đó mua hạt giống để ươm trồng tại vườn nhà và mở rộng thêm diện tích trồng.
Tại điểm thu mua và chế biến lá sâm nâm của gia đình bà Lê Thị Son, phường Hòa Vinh cho thấy lá sương sâm được dùng làm thạch và rau ăn. Chỉ cần xay, giã nát một lượng loại lá tươi sương sâm với một lượng nước lọc nguội nhất định, lọc lược sạch, để một hai giờ, chất nước này sẽ kết đông và có màu xanh lá cây.
Hiện nay, Phường Hòa Vinh có khoảng 30 hộ dân trồng dây leo sâm nam. Đây cũng được xem là dây leo có hiệu quả kinh tế gấp đôi so với các loại cây trồng khác. Từ hiệu quả kinh tế đem lại, Hội Nông dân Phường đã đứng ra thành lập Tổ hội nghề nghiệp sâm nam và liên kết những hộ trồng sâm nam lại với nhau, nhằm nâng cao chất lượng và liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Việc phát triển một loại cây trồng mới, có hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân là điều đáng mừng. Tuy nhiên, sâm nam là sản phẩm giải nhiệt ở các vùng nông thôn, thị trường chưa rộng mở nên việc phát triển diện tích cần tính đến nhu cầu của thị trường để tránh tình trạng sản phẩm không tiêu thụ hết. Đây là điều mà Hội nông dân cần tính để có khuyến cáo người dân trong việc đầu tư các mô hình sản xuất nói chung, sâm nam nói riêng phù hợp với nhu cầu thị trường./.
Nguyễn Yên – Đắc Lâm