Tôm hùm xuống giá và câu chuyện phát triển bền vững

14:42, 07/10/2019 [GMT+7]

 

Tôm hùm xuống giá và câu chuyện phát triển bền vững
Tôm hùm xuống giá và câu chuyện phát triển bền vững


Tôm hùm là một những loại thủy sản chủ lực của Phú Yên. Thế nhưng chưa năm nào  giá tôm hùm thương phẩm rẻ như năm nay. Giá thấp là một chuyện, một điều bất thường hơn là thương lái thay đổi ngược trong cách phân loại, định giá tôm hùm. Thay vì tôm càng lớn được đánh giá càng cao thì năm nay thương mái chỉ mua tôm loại nhỏ. Điều này khiến ngư dân lo lắng. Còn theo ngành chức năng, việc đánh giá phân loại như thế này sẽ dẫn đến những thiệt hại.

Từ tháng 5 đến cuối tháng 8 giá tôm  hùm xanh loại 1 khi xuất bán chỉ còn 400.000 - 550.000 đồng/kg.  Từ đầu tháng đến cuối tháng 9, giá tôm hùm thương phẩm có nhích lên nhưng không đáng kể, từ 600.000 đến 700.000 đồng/kg, thì từ giữa tháng 9 tới nay, giá tôm hùm xanh đã xuống trở lại, giá cao nhất chỉ còn 680.000 đồng/ kg, tôm hùm bông còn 1 -1,2 triệu đồng.

Điều bất bình thường hơn là trong thời gian gần đây, tại tỉnh Phú Yên, thương lái chỉ thu mua tôm hùm cỡ nhỏ từ 0,2- 0,3 kg, đồng thời rất hạn chế mua tôm cỡ lớn. Theo ngư dân, đây là điều chưa từng xảy ra trong nhiều năm qua. Khi xếp vào loại 2 và 3, mỗi kg tôm hùm ngư dân mất từ 60.000 đến 150.000 đồng/kg. Như vậy, so với năm ngoái, giá tôm hùm xanh và cả tôm hùm bông thương phẩm năm nay đã giảm đến gần một nửa.

Với mức giá này, cộng với tỷ lệ tôm hùm bị hao hụt lớn trong quá trình nuôi do môi trường biến động trong mùa nắng nóng, trung bình 1 hộ nuôi tôm hùm  lỗ từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng vì giá tôm xuống thấp. Nguyên nhân khiến tôm hùm giảm giá mạnh được xác định là xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gặp khó khăn do vướng phải các rào cảng về kỹ thuật, xuất xứ nguồn gốc, số lượng tôm hùm xuất bằng con đường này giảm xuống. Tuy nhiên, tại sao thương lái lại chỉ thu mua tôm hùm cỡ nhỏ và tôm hùm càng lớn, giá càng rẻ? .

Trong  vòng 1 tháng qua, ngư dân nuôi tôm hùm ở thị xã Sông Cầu- thủ phủ nuôi tôm hùm Phú Yên, cũng là nơi nuôi tôm hùm lớn nhất cả nước đồng loạt thu  hoạch tôm hùm để tránh ảnh hưởng bởi mưa bão. Điều đáng nói, phần lớn tôm  được thu hoạch trong đợt này là tôm nhỏ, cỡ từ 4-5 con/kg, tức từ 2-3 lạng mỗi con. Trong khi những năm trước, tôm đạt từ 4 lạng trở lên ngư dân mới chịu thu hoạch. Giá đã rẻ mà phải thu hoạch tôm nhỏ như thế này, người nuôi tôm lỗ là chuyện đương nhiên.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu và phân tích từ cơ quan chức năng thì bản chất ở đây là ép giá…Những vụ trước, thương lái chỉ mưa tôm 0,3kg trở lên và năm nay ngư dân cũng để tôm lớn mới thu hoạch, đặc biệt, những tháng giữa năm, giá tôm giảm chỉ còn 400.000-550.000 đồng/kg, nhiều dân nuôi tôm hùm giữ tôm lại chờ giá lên... Đến lúc này, hầu hết các lồng tôm thương phẩm tôm hùm đều có kích cỡ lớn từ 3 lạng trở lên, thì thương lái lại đưa ra tiêu chí chỉ mua tôm nhỏ. Tôm càng lớn, giá càng thấp.  Cùng 1 lúc 2 vấn đề xảy ra trên vùng nuôi tôm: hộ có tôm nhỏ cũng thu hoạch, tôm lớn cũng buột phải thu vì không thể giữ lại lâu hơn khi mưa bão đã cận kề. Đây là cơ hội để thương lái ép giá.

Xuất khẩu tiêu ngạch không còn rộng mở như trước, nhiều rào cảng kỹ thuật từ nước nhập khẩu được dựng lên, trong khi nguồn cung quá lớn thì chuyện ép giá là điều thường  xuyên xảy ra với bất cứ loại nông sản nào. Trong lúc này, khi ngư dân nuôi tôm hùm gặp khó thì thương lái dùng mọi chiêu trò để ép giá, bởi thương lái là người quyết định tất cả…Và để ngư dân không rơi vào tình cảnh này, vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải kiểm soát vùng nuôi, tránh trường hợp, cung vượt cầu.

Với những gì đang diễn ra, rõ ràng cần có những giải pháp căn cơ để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm. Bên cạnh việc thực hiện nuôi tôm theo quy hoạch và gắn với thị trường tiêu thụ, phải thực hiện đầy đủ việc truy xuất nguồn gốc. Làm được được đó thì tôm hùm sẽ có cơ hội đến được với nhiều thị trường khác chứ không chỉ phụ thuộc một thị trường như hiện nay./.

Lê Biết - Quốc Hoàn -  Lê Hùng - Huỳnh Danh