Lũy thép Đèo Cả

11:17, 20/08/2018 [GMT+7]

Đèo Cả nằm ở vị trí cực nam của tỉnh Phú Yên. Là một con  đèo khúc khuỷu, quanh co trên đường thiên lý Bắc Nam, làm ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Phú Yên – Khánh Hòa. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tại đây đã diễn ra một trận đánh ác liệt. Trận Đèo Cả được gọi là lũy thép của quân, dân Phú Yên và những chiến sĩ của đoàn quân Nam tiến để ngăn chặn cuộc tiến công của thực dân Pháp chiếm vùng tự do khu V khi chúng thực hiện âm mưu chiếm nước ta lần thứ hai. 73 năm trôi qua, nhưng những trận đánh anh dũng của quân và dân ta tại Đèo Cả vẫn mãi âm vang.

Lũy thép Đèo Cả
Lũy thép Đèo Cả


Chỉ hơn nửa tháng sau ngày đất nước độc lập, thực dân Pháp núp bóng quân Anh gây chiến tranh với dã tâm chiếm đóng Nam Bộ. Tỉnh Phú Yên bị địch uy hiếp ba mặt: tuyến biển, phía nam và phía tây. Với ý đồ tấn công vùng tự do của Liên khu 5, giặc Pháp đã liên tục tổ chức lực lượng tiến ra Đèo Cả để thăm dò khả năng phòng thủ của ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, quân dân Phú Yên trong khí thế hừng hực cách mạng, một mặt tăng cường xây dựng, củng cố chính quyền địa phương non trẻ,  một mặt lập phòng tuyến Đèo Cả sẵn sàng chặn đánh địch, bảo vệ vùng tự do, bảo vệ vựa lúa Tuy Hòa để phục vụ kháng chiến trường kỳ.

Lúc bấy giờ lực lượng của ta ít, trang bị vũ khí còn thiếu nhưng biết dựa vào địa thế hiểm trở của Đèo Cả để phòng ngự và phản kích nên trong suốt 3 ngày giằng co, chiến đấu liên tục dưới phi pháo, ta đã tiêu diệt được 420 tên địch. Ta tập trung lực lượng vừa đánh địch vừa tổ chức phá cầu, đường trên Đèo Cả, lấp miệng hầm đường xe lửa, thực hiện tiêu thổ kháng chiến để ngăn sự tấn công của giặc. Mặt trận Đèo Cả bị phá vỡ sau nhiều ngày tấn công dữ dội. Và trận chiến Đèo Cả được đánh giá là một trong hai mốc son chói lọi của Quân khu V trong kháng chiến chống Pháp. 

Đèo Cả từng là phên giậu của đất nước từ thuở Đại Việt, có vị trí chiến lược quan trọng trong suốt chiều dài hơn 400 năm kể từ ngày Chúa Nguyễn Hoàng đặt tên cho Phú Yên. Mỗi tấc đất ở đây thấm máu của bao lớp người. Đèo Cả gợi nhớ những tháng ngày Nam tiến hào hùng và là lũy thép, là chiến địa một thời để ngăn bước tiến của giặc ngày nay vẫn ngát một màu xanh của vựa lúa Tuy Hòa, màu xanh của biển, của  trời. Một màu xanh của cuộc sống mới mà thế hệ hôm nay luôn có trách nhiệm gìn giữ, phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển.

Đã bao thế kỷ đi qua với nhiều biến động nhưng Đèo Cả vẫn hiên ngang như dáng đứng của cha ông từ thời đi mở cõi. Và giờ đây, dưới chân Đèo Cả sừng sững kia là tuyến hầm đường bộ Đèo Cả hiện đại bậc nhất Việt Nam. Công trình này đã tháo “nút thắt” để mở toang cánh cửa giao thương, tạo sự liên kết vùng kết nối Phú Yên với khu kinh tế Vân Phong, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Kết nối các khu công nghiệp lân cận với các khu du lịch trong vùng. Tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh- quốc phòng cho cả khu vực miền Trung- Tây Nguyên./.

Nguyễn Hiền – Quốc Hoàn