Hồi ức cựu binh Trường Sơn ngày thống nhất đất nước

09:49, 04/05/2023 [GMT+7]

 

Hồi ức cựu binh Trường Sơn ngày thống nhất đất nước
Hồi ức cựu binh Trường Sơn ngày thống nhất đất nước

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ký ức về một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” vẫn còn nguyên vẹn đối với những cựu binh Trường Sơn. Ngày cuối tuần, mời QV cùng về thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa nghe cựu binh Nguyễn Đình Huồng kể chuyện về một thời hoa lửa.

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất lửa Nghệ An. Với tinh thần nhiệt huyết của tuổi trẻ, 18 tuổi ông Nguyễn Đình Huồng tự nguyện viết đơn nhập ngũ, hăng hái lên đường đi chiến đấu. Ông được phiên chế  vào Trung đoàn 98, Sư đoàn Công binh 473, nhiệm vụ là phá đá mở đường cho quân ta ra chiến trường. Giữa mưa bom bão đạn, ông cũng không nhớ nổi là mình đã tham gia rà phá bao nhiêu bom mìn, mở bao nhiêu cung đường Trường Sơn, chỉ biết rằng con đường càng tiến về phía Nam là ngày chiến thắng càng đến gần, vì thế ông và đồng đội càng vui, càng hăng hái, quên cả hi sinh gian khổ.

Những năm tháng Trường Sơn là những năm tháng nước suối, rau rừng và sốt rét. Thực phẩm khan hiếm, phải đi tìm cây môn thục, bẻ măng, bắt cá...để cải thiện bữa ăn. Vào năm 1973, khi ông cùng đồng đội đang vào rừng hái rau thì bị địch phục kích, may mắn thoát hiểm, nhưng ông cũng đã bị thương. Ở rừng muỗi nhiều, một lần ông bị sốt rét ác tính tưởng chừng không qua khỏi, đến khi được đồng đội phát hiện đưa đến trạm xá dã chiến mới biết mình còn sống.

 Gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ đều tham gia kháng chiến, cả ba anh em trai đều đi bộ đội, ông luôn lấy đó làm niềm tự hào để trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào cũng nêu cao tinh thần người lính, giữ vững phẩm chất anh Bộ đội Cụ Hồ. Giờ đã gần 70, những ký ức về chiến trường lại càng sống dậy mãnh liệt trong ông. Kỷ niệm về những đồng đội thân yêu, về những trận chiến đấu oanh liệt để mở đường và bảo vệ con đường Trường Sơn huyền thoại. Và hơn tất cả là kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, anh em. Để mỗi năm, vào thời khắc lịch sử này, những người lính như ông lại bồi hồi, xúc động.

Năm 1992, ông cùng gia đình vào lập nghiệp ở khu kinh tế mới thôn Suối Phèn, xã Sơn Long, huyện Sơn Hòa. Những người con của ông được ăn học thành tài. Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, ông tích cực tham gia các hoạt động địa phương, phát triển kinh tế tại quê hương thứ hai Phú Yên. Giờ đây, đã hàng chục năm rời quân ngũ trở lại làm người nông dân chân chất với ruộng vườn, nhưng với ông, ký ức một thời đánh Mỹ hào hùng thì không bao giời quên. Và với ông cũng như bào đồng đội khác, không có niềm vui nào vui hơn, không có niềm tự hào nào lớn hơn là đã từng được hiến dâng tuổi xuân của mình cho ngày vui thống nhất non sông./.

Như Thùy, An Bang