Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật quy hoạch có hiệu lực thi hành

11:10, 31/05/2022 [GMT+7]

 

Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật quy hoạch có hiệu lực thi hành
Quốc hội thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật quy hoạch có hiệu lực thi hành

 

Ngày 30/5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, sau khi nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường.

Luật Quy hoạch được thông qua năm 2017 đã giải quyết những vấn đề đặt ra và tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quy hoạch. Tuy nhiên, đây là một Luật khó, liên quan nhiều vấn đề phức tạp, phạm vi rộng. Đến nay, sau 5 năm Luật có hiệu lực vẫn chưa lập, phê duyệt xong hệ thống quy hoạch quốc gia. Trước những khó khăn, vướng mắc nảy sinh ngay từ khi triển khai, ngay sau khi kiện toàn, Quốc hội khóa XV đã chọn Luật Quy hoạch là chuyên đề giám sát đầu tiên với mục tiêu tìm hạn chế, nguyên nhân, rõ trách nhiệm, đề xuất phương án xử lý nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển bền vững. Tại phiên làm việc, các đại biểu quốc hội đã có nhiều đóng góp tích cực xung quanh việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi luật quy hoạch có hiệu lực thi hành, trong đó đề nghị cần có sự thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp; nội dung quy hoạch cấp tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; việc tháo gỡ vướng mắc trong Luật Quy hoạch năm 2017 cần phải đồng thời rà soát các luật và hướng dẫn chuyên ngành...

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, triển khai giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội, ngoài báo cáo của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, 63 đoàn ĐBQH, 63 Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố đều có báo cáo giám sát, trong đó nhiều báo cáo chất lượng tốt. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã họp 4 Phiên để cho ý kiến về đề cương sơ bộ, đề cương chi tiết, thông qua báo cáo, làm việc với Ban cán sự Đảng Chính phủ. Các vấn đề được các vị ĐBQH đề cập tại Kỳ họp lần này sẽ được các cơ quan tổng hợp tiếp thu đầy đủ, tổng hợp báo cáo giám sát trình Quốc hội xem xét./.

Hồng Thủy – Đức Hưng