Giá trị văn hóa Hùng Vương

12:24, 12/04/2022 [GMT+7]

.
 
 

“Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Câu ca dao từ xưa vẫn in trong tâm thức của mỗi người dân nhắc nhớ về ngày giỗ tổ Hùng Vương, về cội nguồn của dân tộc, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đây cũng là dịp để con cháu người Việt thêm tự hào về truyền thống văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của ông cha ta từ thuở khai lập. Qua bao đời những giá trị văn hóa đẹp đẽ của thời đại Hùng Vương vẫn được gìn giữ, nhân lên trở thành đạo lý, tiền đề cho sự phát triển chung của xã hội, đất nước.

Những ngày này người dân trên mọi miền đất nước đều hướng về vùng đất tổ Hùng Vương, để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Hàng năm, mồng Mười tháng Ba (âm lịch) là ngày Quốc lễ, một ngày thiêng liêng, trọng đại đối với cả dân tộc: Giỗ tổ Hùng Vương. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam mà không quốc gia nào có được. Hình thức thờ Quốc tổ độc đáo này còn là biểu tượng cho sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tự hào dân tộc. Giá trị sâu xa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sự gắn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của những người có chung một cội, cùng chung một nguồn.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2012. Việc tri ân công đức các Vua Hùng mang giá trị nhân văn sâu sắc, đó là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn”… Vào ngày này như nhắc nhớ mỗi người, dù khác nhau về hoàn cảnh sống, vùng miền hay giọng nói nhưng đều tự hào về giống nòi “con rồng, cháu tiên”. Đây cũng là giá trị văn hóa mang tính nhân văn lớn nhất thời đại Hùng Vương còn gìn giữ mãi cho hậu thế sau này.

Bác Hồ đã từng nói: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, 'giữ lấy nước' không chỉ có ý nghĩa giữ biên cương, đất đai của Tổ quốc mà là giữ cho được hồn thiêng sông núi. Đó chính là giá trị văn hóa, giá trị làm người của dân tộc Việt Nam chúng ta. Trong thời kỳ xã hội phát triển, nhiều giá trị văn hóa đều đứng trước những thách thức. Do đó, thờ cúng Hùng Vương không chỉ thờ tổ tiên, biết ơn công lao của các vua hùng đã có công xây dựng, đánh giặc ngoại xâm gìn giữ bờ cõi mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của những người trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày càng phát triển phồn thịnh.

Thời đại Hùng Vương mang giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc vô cũng to lớn. Cho đến ngày nay, những giá trị văn hóa ấy vẫn thấm sâu trong tâm khảm của mỗi con người và vẹn nguyên giá trị. Giá trị văn hóa Hùng Vương cũng là niềm tự hào trong suốt tiến trình hình thành lịch sử của dân tộc. Từ những giá trị cội nguồn ấy lấy làm sức mạnh tinh thần vượt qua những khó khăn, thử thách, mỗi người dân ý thức đóng góp công sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Như Thùy, Cẩm Trang


 

Giá trị văn hóa Hùng Vương