Nhà sàn truyền thống dần mai một trước cuộc sống hiện đại |
Không chồng, một mình Mí Bàng, dân tộc Chăm, phải nuôi hai con nhỏ trong căn nhà sàn xập xệ, đã xuống cấp. Từ khi được xã quan tâm cùng với nguồn hỗ trợ của các nhà hảo tâm, Mí Bàng được xây dựng một ngôi nhà cấp 4 khang trang để ở. Thế nhưng, Mí lại rất ít khi ở căn nhà mới mà vẫn ở nhà sàn, cho dù đã cũ kỹ xuống cấp. Bởi đó đã là một thói quen của Mí cũng như nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số khác.
Ở thôn Hòa Ngãi, xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa có 124 hộ đồng bào Chăm sinh sống. Chỉ cách đây mươi năm, khi đến làng, ai cũng rất ấn tượng bởi hình ảnh những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong vườn cây, mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc, nhưng bây giờ, số nhà sàn ở trong thôn chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Dần dần từ những dự án dành cho đồng bào miền núi, sự hỗ trợ của các cấp ngành để phát triển đời sống của đồng bào, những căn nhà mới kiên cố được xây dựng bằng bê tông, lợp ngói đã được xây dựng thay cho nhà sàn truyền thống.
Nhà sàn là không gian cư trú truyền thống đã lưu truyền qua bao thế hệ của đồng bào dân tộc thiểu số, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa. Khi ở trong những ngôi nhà cấp 4 đã bê tông hóa với rất nhiều điều lạ lẫm, có rất nhiều thứ chưa phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào.
Mặc dù hiện nay vẫn còn nhiều gia đình muốn giữ mái nhà sàn truyền thống, nhưng yêu cầu của nhịp sống ngày một hiện đại và nhiều yếu tố khách quan khiến bà con không thực hiện được điều này. Xây dựng nhà sàn cho đồng bào để lưu giữ truyền thống dân tộc, một số địa phương đã tính đến. Tuy nhiên, việc này hết sức khó khăn.
Hình ảnh ngôi nhà sàn dần mất ở các thôn buôn. Kéo theo đó, nét đặc trưng trong cách ở, sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số cũng mai một theo. Tuy khó nhưng rồi bà con cũng sẽ thích nghi với cuộc sống trong những ngôi nhà bê tông kiên cố. Và như thế, chỉ chục năm sau, những ngôi nhà sàn cũng chỉ còn tồn tại trong ký ức của bà con mà thôi./.
Tin, ảnh Thoại Kỳ - Hoàng Trúc