Phát triển nhãn hiệu nâng cao giá trị cho hạt gạo Tây Hòa

10:46, 12/07/2021 [GMT+7]

Huyện Tây Hòa có diện tích lúa lớn nhất tỉnh với trên 6.500ha. Diện tích lớn, sản lượng nhiều nhưng giá trị kinh tế mà cây lúa đem lại cho người dân Tây Hòa chưa cao. Để giải quyết bài toán này, huyện Tây Hòa đã đưa ra định hướng phát triển cây lúa và sản phẩm lúa, gạo theo hướng chuỗi liên kết, trong đó chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm lúa, gạo Tây Hòa. 

.

 

Tại xã Hòa Phong, để nâng cao giá trị cây lúa, HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong đã thực hiện đăng ký và được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tập thể "gạo Tây Hòa". Để phát triển nhãn hiệu này, HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong đã liên kết với Công ty Cổ phần Tập đoàn Quế Lâm xây dựng quy trình trồng, chăm sóc lúa theo hướng sản xuất lúa hữu cơ, tạo ra sản phẩm gạo sạch bán ra thị trường. Bên cạnh đó, HTX cũng thực hiện dán mã QR code để người dùng có thể truy suất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện HTX Nông nghiệp Kinh doanh Dịch vụ Hòa Phong đang có 2ha trên tổng số 10ha diện tích đã được quy hoạch trồng lúa theo quy trình lúa hữu cơ. Năm 2020, HTX đã bắt đầu thu mua lúa trồng theo hướng hữu cơ để xay gạo bán ra thị trường. Vụ Hè Thu 2021, HTX dự tính sẽ có 3 tấn lúa được thu mua cho bà con. Có nhãn hiệu, lúa tươi sản xuất hữu cơ sau khi thu hoạch được bao tiêu thu mua với giá bằng với giá lúa khô thông thường giúp người dân yên tâm sản xuất, nâng cao thu nhập.

Không chỉ Hòa Phong, hiện huyện Tây Hòa cũng đang thực hiện xây dựng và xác lập nhãn hiệu tập thể cho hai sản phẩm lúa gạo của xã Hòa Mỹ Tây và Hòa Tân Tây. Sản phẩm gạo của hai đơn vị này sẽ phát triển theo hướng gạo chất lượng cao với tính chất dẻo, thơm. Huyện Tây Hòa cũng thực hiện hỗ trợ về vốn, bao bì, phát triển thị trường cho các sản phẩm này nhằm nâng tầm lúa, gạo địa phương.

Việc xây dựng nhãn hiệu cho hạt gạo là xu hướng phát triển phù hợp với thị trường hiện nay. Nhãn hiệu giúp sản phẩm lúa gạo định hình về chất lượng, loại bỏ được phương thức sản xuất kém chất lượng trước đây, thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đưa lúa, gạo thành sản phẩm nông sản có giá trị và chỗ đứng trên thị trường. Điều này vừa mang lại lợi ích cho nông dân trồng lúa, ổn định an ninh lương thực, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững.

Đắc Lâm - Quốc Hoàn