Ngày 14/7, Bộ Y tế có Quyết định 3416 về việc ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2). Hướng dẫn này thay thế Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng virus Corona mới (SARS-CoV-2) ban hành kèm theo Quyết định 2008 ngày 26/4/2021.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 6 giờ đến 12 giờ 30 ngày 14/7, có 1.196 ca nhiễm SARS-CoV-2 được ghi nhận, trong đó TP Hồ Chí Minh có 971 ca. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 34.656 ca mắc COVID-19 trong nước và 1.949 ca nhập cảnh; số lượng mắc từ ngày 27/4 đến nay là 33.086 ca, trong đó có 6.779 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. |
Theo Bộ Y tế, SARS-CoV-2 lây trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp (như qua giọt bắn, hạt khí dung, không khí) và qua đường tiếp xúc. Virus cũng có khả năng lây truyền cao tại các cơ sở y tế, những nơi đông người và ở không gian kín. Bên cạnh đó, virus liên tục biến đổi tạo ra nhiều biến thể khác nhau trên toàn thế giới làm cho khả năng lây lan mạnh hơn, khó kiểm soát hơn. Người bệnh COVID-19 có biểu hiện lâm sàng đa dạng, từ nhiễm không có triệu chứng tới những biểu hiện bệnh lý nặng như viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy chức năng đa cơ quan và tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người có bệnh mạn tính hay suy giảm miễn dịch, hoặc có đồng nhiễm hay bội nhiễm các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm. Cơ chế bệnh sinh của bệnh có vai trò của “cơn bão cytokine” và huyết khối mao mạch phổi trong các ca bệnh có suy hô hấp nặng và nguy kịch. Hiện chưa có thuốc đặc hiệu nên chủ yếu là điều trị hỗ trợ và điều trị triệu chứng. Các biện pháp phòng bệnh chính là tiêm phòng vắc xin, phát hiện sớm và cách ly ca bệnh.
Nguyên tắc điều trị chung: Phân loại người bệnh và xác định nơi điều trị theo các mức độ nghiêm trọng của bệnh. Các trường hợp bệnh nghi ngờ cần được khám, theo dõi và cách ly ở khu riêng tại các cơ sở y tế, lấy bệnh phẩm đúng cách để làm xét nghiệm đặc hiệu chẩn đoán xác định.
Trường hợp bệnh xác định cần được theo dõi và điều trị cách ly hoàn toàn. Ca bệnh (F0) nhẹ hoặc không có triệu chứng (viêm đường hô hấp trên, viêm phổi nhẹ) điều trị tại các buồng bệnh thông thường… Ca bệnh nặng (viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết) hoặc ca bệnh nhẹ ở người có các bệnh mạn tính hay người cao tuổi cần được điều trị tại các buồng bệnh hồi sức tích cực. Ca bệnh nặng - nguy kịch (suy hô hấp nặng, suy hô hấp cấp, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan) cần được điều trị hồi sức tích cực…
Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi: Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiểu lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Người bệnh được xuất viện vào ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi: Có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiểu lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Người bệnh xuất viện sau ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (ngày ra viện được xác định là sau 3 ngày kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng, đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm) khi: Có triệu chứng lâm sàng sau 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiểu lấy 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30); thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ.
Sau khi xuất viện, người bệnh cần tiếp tục cách ly phù hợp tại nhà dưới sự giám sát của y tế cơ sở và CDC địa phương thêm 14 ngày; theo dõi thân nhiệt tại nhà 2 lần/ngày, nếu thân nhiệt cao hơn 38 độ C ở 2 lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
QUỲNH NHƯ (Trích nguồn Báo Phú Yên)