Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 5/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo tại Tổ đại biểu số 9, bao gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre. Đồng chí Phạm Đại Dương, UV BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh điều hành nội dung thảo luận. Tham gia thảo luận tại tổ có Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương
Góp ý dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm đến khoản 24 Điều 3 giải thích về vận hành hồ chứa theo thời gian thực, đề nghị làm rõ “thời gian thực” ở đây là khoảng thời gian bao nhiêu vì thời gian tính toán ra kết quả để ra quyết định vận hành các hồ chứa thủy điện không chỉ phụ thuộc vào thời gian dự báo theo thời gian thực mà còn phụ thuộc vào thuật toán (phần mềm tính toán), cấu hình máy tính để chạy mô hình và kinh nghiệm của người thực hiện vận hành. Liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị bổ sung chính sách bắt buộc đối với việc xử lý nước thải đô thị, công nghiệp tập trung có quy mô lớn, trong đó cần xem xét bổ sung khoản giao Chính phủ xem xét quyết định quy mô/công suất/ đặc tính/loại hình của các cơ sở/hệ thống phải thực hiện mục tiêu tái sử dụng nước thải sau xử lý và sử dụng phù hợp với các mục đích.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị rà soát, xem xét sự cần thiết ban hành nhiều quy hoạch về tài nguyên nước như hiện nay và để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy hoạch khác. Cùng quan tâm đến dự án Luật này, đại biểu Lê Đào An Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý tại Điều 8 danh mục ao, hồ, đầm, phá không được san lấp. Đại biểu cho rằng vấn đề đặt ra là nếu không được san lấp thì việc giảm thiểu diện tích, thể tích của hồ có được áp dụng hay không? Đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ, nghiên cứu thêm về nội dung này. Đại biểu cũng cho ý kiến về quy định nghiêm cấm hành vi xả nước thải vào nguồn nước dưới đất tại Điều 10.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ |
Điều 29 của dự thảo cũng nhắc lại quy định tương tự như Điều 10, do vậy đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần làm rõ hơn tiêu chí này. Bởi vì nếu xử lý xả thải đạt tiêu chuẩn nước mặt theo quy định thì đòi hỏi chi phí rất lớn, trong khi hiện nay có nhiều quy định chuyên ngành về tái sử dụng nước thải sau chăn nuôi để phục vụ cho các dự án lâm nghiệp, nông nghiệp, có thể tái sử dụng theo hướng tiết kiệm, xem đấy là một nguồn đầu vào, áp dụng theo đúng quy chế kinh tế tuần hoàn đối với sử dụng nước. Về Điều 20, đại biểu Lê Đào An Xuân cho rằng, một trong những nội dung cần điều chỉnh là nếu các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia mới hình thành ảnh hưởng đến tài nguyên nước thì phải điều chỉnh quy hoạch.
Liên quan đến điều hòa, phân phối nguồn nước tại Điều 36, đại biểu Lê Đào An Xuân nêu rõ, dự thảo có nêu “xem xét dựa trên kịch bản nguồn nước, sử dụng công cụ hỗ trợ” gây khó hiểu, đề nghị bổ sung thêm nội dung tham vấn cộng đồng các nhà khoa học và chính quyền địa phương khi thực hiện điều hòa, phân phối nguồn nước. Cũng tại phiên họp, các đại biểu tham gia thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)./.
Hồng Thủy – Đức Hưng