Niềm tin của buôn làng |
Khi đến các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên vì sự đổi thay của vùng đất này. Đó là sự trù phú của các buôn làng, những vườn cây ăn trái trĩu quả, đời sống của bà con ngày càng ổn định, phát triển... Sự khởi sắc ấy có phần không nhỏ từ nỗ lực của Đảng bộ địa phương, các tổ chức cơ sở đảng, những đảng viên gương mẫu, tiên phong để tạo nên điểm tựa cho các buôn làng, bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây. Câu chuyện từ xã Eabar, huyện miền núi Sông Hinh.
Xa xôi, cách trở...là điều mà mọi người thường nghĩ khi nói đến thôn Chư B’Lôi thuộc xã EaBar. Vùng đất dưới chân núi Hòn Đen này là nơi tập trung đông bà con người Dao và một số dân tộc khác ở các tỉnh phía Bắc vào đây sinh sống. Ông Bàn Nguyên An thuộc thế hệ thứ hai của người Dao từ Lạng Sơn đặt chân đến đây để mưu sinh. Những ngày đầu đến đây vô cùng gian nan, thiếu thốn đủ bề. Nhưng rồi, mọi thứ cũng dần ổn định nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, điều làm ông Bàn Nguyên An và những đảng viên ở đây trăn trở là việc thiếu nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Đặc biệt là vào mùa khô, tình trạng thiếu nước càng trầm trọng. Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông quyết định trao đổi, đề xuất ý kiến với những đảng viên trong thôn rồi tổ chức họp dân, trình bày kế hoạch, phương án để đưa nguồn nước về làng.
Làm thế nào để bà con buôn làng tin tưởng và chung tay thực hiện là một vấn đề khó, nhất là nguồn kinh phí đóng góp xây dựng đường dẫn nước khá lớn. Chi bộ thôn đã cố gắng thuyết phục, trao đổi, phân tích với bà con về cái lợi lâu dài khi đưa được nước về thôn. Khi ấy, Đảng ủy xã Eabar đã luôn sát cánh với Chi bộ thôn và ông Bàn Nguyên An để triển khai thực hiện công việc ý nghĩa này.
Sự quyết tâm của những đảng viên của Chi bộ thôn Chư P’Lôi cùng với sự tiên phong của ông Bàn Nguyên An cuối cùng đã có kết quả. Những người dân làng Dao đã tự góp vốn tới gần 300 triệu đồng, rồi cùng nhau băng rừng, vượt gian khó để đưa nguồn nước từ núi về.
Nước về đã đem lại sức sống mới cho buôn làng. Không chỉ dùng nước sinh hoạt, bà con còn sử dụng để tưới tiêu cho cây trái và những cánh đồng. Cuộc sống của người dân thôn Chư B’Lôi đã ổn định, phát triển. Bản thân ông Bàn Nguyên An được tôn vinh là tấm gương điển hình về thực hiện chỉ thị 05/CT-TW của Bộ Chính Trị về Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2021.
Với chủ trương “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Huyện ủy Sông Hinh cũng đã thực hiện khá thành công chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Các đảng viên đã mạnh dạn tiên phong áp dụng phương pháp nông nghiệp sạch vào sản xuất thay cho tập quán sản xuất lạc hậu. Sự thay đổi về cách làm nông nghiệp sạch có thể xem là một bước đột phá trong sản xuất, nhất là đối với bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Xã Eabar và nhiều xã khác trên địa bàn huyện Sông Hinh giờ đã hình thành những vùng chuyên canh cây ăn trái hiệu quả với nhiều chủng loại như: sầu riêng, bơ Booth, cam quýt, ổi... đem lại thu nhập cao. Từ đó, đã có nhiều hộ vươn lên làm giàu và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền địa phương.
“Tin Đảng, hiểu dân, việc khó mấy cũng thành công”. Đó được xem là kim chỉ nam cho các tổ chức cơ sở Đảng ở huyện Sông Hinh. Có thể nói, Huyện ủy Sông Hinh đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thực hiện Kết luận số 38 của Bộ Chính trị về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 22 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những tổ chức cơ sở Đảng, chi bộ, những đảng viên ở các buôn làng như Bàn Nguyên An, Trần Ngọc Phú và nhiều đảng viên khác nữa... đã luôn nêu cao tinh thần này và luôn là điểm tựa cho bà con cùng phát triển đi lên, xây dựng đời sống ấm no, quê hương giàu mạnh.
Lưu Khánh-Đức Hưng