Diệt "giặc dốt" sau Cách mạng tháng Tám

06:41, 03/09/2020 [GMT+7]

 

Diệt “giặc dốt” sau Cách mạng tháng Tám
Diệt “giặc dốt” sau Cách mạng tháng Tám

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Sau cách mạng tháng 8/1945, phong trào Bình dân học vụ được phát động, nhanh chóng lan tỏa tới từng làng, từng xã, với mục tiêu “diệt giặc dốt”. Hình ảnh những lớp học “i tờ” trong ánh đèn dầu, lớp học với trẻ em và người lớn, các thế hệ cùng nhau học từng con chữ, câu chuyện về những “gác chắn kiểm tra bài học” tại các phiên chợ, đường liên thôn, liên xã... là những minh chứng rõ nét cho lòng ham học của người dân và phong trào bình dân học vụ ở nước ta.

Hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng triệu người dân trên khắp mọi miền đất nước đã hăng hái đến các lớp học. Ở tỉnh ta, lúc bấy giờ phong trào bình dân học vụ cũng phát triển rộng khắp, được nhân dân hưởng ứng nhiệt tình. Bà con lúc đó ai cũng đi học, ngày đi làm, ban đêm về thắp đèn lên học, ai cũng hăng say. Không những học ở lớp, về nhà những người biết nhiều chỉ cho những người biết ít, những người biết ít, chỉ cho những người chưa biết.

Những phiên chợ, những đoạn đường liên thôn, liên xã được dựng lên những gác chắn để kiểm tra chữ nghĩa của người dân, chỉ những ai trả lời được chữ mới được đi qua, nếu không thì phải đứng lại để học hoặc quay về học thêm.

Ở cấp xã, mỗi xã, phường có Ban Bình dân học vụ, có đội giáo viên tự nguyện dạy các lớp học xóa mù chữ. Bình dân học vụ đã được lan rộng và ăn sâu vào các thôn xóm, làng bản, người người học chữ, nhà nhà học chữ. Những người biết nhiều chữ dạy cho những người biết ít chữ, những người biết ít chữ dạy cho những người không biết chữ. Đâu đâu cũng có thể là trường học, lớp học và mọi người học cả những lúc nghỉ ngơi cũng như khi lao động. Lá chuối, mo nang được đem dùng thay giấy; gạch non, sắn khô thay cho phấn viết; mặt đất, tường nhà thay cho bảng đen… Cứ thế, phong trào phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa đặc biệt, sự học được mọi người nhận thức và thực thi như một nghĩa vụ dưới nhiều hình thức.

Chỉ sau một năm hoạt động Bình dân học vụ, hàng triệu người dân trong cả nước đã biết chữ, trình độ dân trí, văn hóa của các tầng lớp nhân dân được nâng lên rõ rệt. Tỉnh Phú Yên là một trong những tỉnh về đích sớm nhất Khu V, đến năm 1947 đã được Nhà nước công nhận tỉnh xóa nạn mù chữ. Cũng từ chỗ biết đọc, biết viết, phong trào tăng gia sản xuất ở các địa phương phát triển mạnh mẽ, các chủ trương, chính sách của Chính phủ trong việc chống thù trong, giặc ngoài được dân biết và tham gia đóng góp tích cực.

Từ một nền dân trí thấp với hơn 95% dân số mù chữ trước CMT8, chỉ sau 1 năm trình độ dân trí  nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, tạo tiền đề quan trọng mở lối cho những tư tưởng Cách mạng thấm nhuần vào quần chúng nhân dân, góp phần bảo vệ chính quyền non trẻ vừa mới ra đời.

Đức Hưng – Đắc Lâm