Ổn định sản xuất nông nghiệp giữa mùa dịch |
Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ nông sản của người dân ở nhiều địa phương trên cả nước. Thế nhưng, tại Phú Yên, cùng với việc chủ động phòng, chống dịch bệnh, người nông dân vẫn tích cực sản xuất với hy vọng năng suất tiếp tục đạt cao, chất lượng nông sản được đảm bảo. Các đơn vị bán lẻ hàng hóa cũng thay đổi cách bán hàng giúp người tiêu dùng thuận tiện hơn, hạn chế đến cửa hàng đông người giữa mùa dịch Covid-19.
Thời gian qua, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc xuất khẩu một số loại nông sản có nguy cơ bị ngưng trệ do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường nội địa Trung Quốc giảm. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, việc sản xuất của nông dân vẫn ổn định. Khắp các cánh đồng, nông trại, nông dân vẫn lạc quan, tích cực sản xuất với hy vọng dịch bệnh sớm được cải thiện; hoạt động thương mại, giao thương nhanh chóng ổn định. Chỉ có sự thay đổi trong sản xuất: đó là sử dụng nhiều hơn các thiết bị cơ giới vào sản xuất để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc giữa các nhóm lao động, ngăn ngừa dịch bệnh.
Đối với chăn nuôi, để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, UBND tỉnh đã cấp không thu tiền hơn 23 ngàn liều vắc xin lở mồm long móng và vắc xin cúm gia cầm cho các địa phương tiêm phòng, ổn định đàn vật nuôi. Bên cạnh đó, thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc cơ sở thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch; các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát động vật, các phương tiện vận chuyển động vật ra vào địa bàn tỉnh; củng cố, kiện toàn mạng lưới thú y viên xã, phường, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Hoạt động xuất khẩu nông sản còn gặp khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, tận dụng mối liên kết nhà nông với doanh nghiệp và công nghệ, đưa sản phẩm nông nghiệp đến nhanh với người tiêu dùng cũng là hoạt động được ngành nông nghiệp và nhiều nông dân của tỉnh hướng đến. Tại nhiều cửa hàng thực phẩm, siêu thị trên địa bàn tỉnh, hiện nay người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm nông nghiệp địa phương hơn trước thông qua các ứng dụng công nghệ. Với cách kinh doanh được thay đổi, nông sản được các doanh nghiệp đưa ngay lên các web, mạng xã hội giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn, hạn chế việc đi lại giữa mùa dịch Covid-19.
Hoạt động lưu thông hàng hóa, tiêu thụ nông sản cho nông dân đang chuyển dần theo hướng thương mại điện tử. Nhờ đó, khâu trung gian tiết giảm các chi phí làm tăng giá thành sản phẩm, giúp nông dân có thu nhập, ổn định sản xuất giữa mùa dịch bệnh hiện nay.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường các biện pháp bảo đảm cung cầu thị trường, hàng hóa thiết yếu phục vụ người tiêu dùng. Yêu cầu các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng vận chuyển, buôn bán hàng nhập lậu; đặc biệt là kiểm soát chặt các mặt hàng ảnh hưởng đến an toàn xã hội, hàng tiêu dùng thiết yếu, đảm bảo ổn định thị trường trong thời điểm dịch bệnh Covid-19.
An Bang, Lê Hùng