LIÊN HOAN PHÁT THANH TOÀN QUỐC
LẦN THỨ XIV NĂM 2020
Tác phẩm: Thắp sáng niềm tin
Thể loại: Chương trình chuyên đề phát thanh tổng hợp
Thời lượng: 28 phút 30’’
Tác giả: Va Luyến
Phát sóng: Ngày 23/2/2020
Nội dung
(Nhạc hiệu chương trình)
Thoại Kỳ: Thoại Kỳ và Ngọc Hiền kính chào QTG trong chương trình Tạp chí Phát thanh trên sóng FM tần số 96Mhz của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.
Ngọc Hiền: Vâng, trong buổi sáng cuối tuần hôm nay, Ngọc Hiền và Thoại Kỳ rất vui được chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị trong cuộc sống với thính giả nghe Đài.
Thoại Kỳ: Vâng! Ngọc Hiền biết không! Thoại Kỳ mới nghe một câu nói này rất hay, đó là: “Bạn có thể bị lừa dối nếu bạn gửi nhầm niềm tin, nhưng bạn sẽ không thể tồn tại nếu bạn không có lòng tin”. Và theo Thoại Kỳ thì lòng tin giữa con người với nhau là điều quan trọng nhất đó Ngọc Hiền.
Ngọc Hiền: Đúng rồi đó Thoại Kỳ, bởi lòng tin giúp con người ta gắn kết nhau, giúp chúng ta thấy cuộc sống tươi đẹp và ý nghĩa hơn. Đây cũng là một chủ đề hay để chúng ta bắt đầu chương trình trong buổi sáng đẹp trời này đấy
Thoại Kỳ: Vậy chúng ta cùng chờ gì nữa, thính giả hãy vặn to volume để cùng đến với chương trình Tạp chí phát thanh với chủ đề “Thắp sáng niền tin”.
(Âm nhạc)
Ngọc Hiền: Thưa QTG! Mới đây, Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa đã biểu dương anh Lê Trường Vũ, nhân viên bảo vệ về hành động đẹp, đó là trả lại của rơi cho khách hàng đó Thoại Kỳ. Đây là thông tin đầu tiên Ngọc Hiền muốn chia sẻ với thính giả nghe Đài.
Thoại Kỳ: Vâng! Thính giả biết không, trong lúc đang làm việc, anh Lê Trường Vũ phát hiện tại 1 góc nhỏ của khu vực quầy tính tiền có một chiếc ví của khách hàng đánh rơi. Khi mở ví ra để kiểm tra xem của ai, thì anh Vũ phát hiện bên trong ví có hơn 80 triệu đồng cùng nhiều giấy tờ quan trọng. Lúc này, anh Vũ đã phối hợp với siêu thị tìm cách liên hệ và trả lại tài sản cho người bị mất.
Ngọc Hiền: Vâng! 80 triệu đồng, đây là số tiền không hề nhỏ, và anh Trường Vũ đã làm một việc đáng được mọi người biểu dương đúng không
Băng - Lê Trường Vũ
(Đối với mình việc nhặt được gì đó là may mắn, nhưng với người ta là số tiền, hoặc cái gì đó rất quan trọng. Có thể là tiền chữa bệnh hoặc cho con ăn học, họ cần hơn. Nói chung mình cần phải trả, đó là điều tốt mà. Từ hồi mình làm ở đây, trong đầu mình chưa bao giờ suy nghĩ, dù ít hay nhiều mình cũng gửi trả lại hết tất cả.)
(Âm nhạc)
Thoại Kỳ: Thính giả thân mến! Hành động đẹp của anh Lê Trường Vũ đã được chủ nhân của chiếc ví và lãnh đạo Siêu thị Co.opmart Tuy Hòa biểu dương, ghi nhận đó Ngọc Hiền à. Trong đời sống hiện nay, chúng ta đã nghe nhiều tin tức tiêu cực như là hôi của của người bị nạn hay thậm chí là cướp giật, móc túi...thì khi chúng ta bắt gặp những tấm lòng như anh Lê Trường Vũ quả thật là đáng trân trọng!
(Out Nhạc)
Ngọc Hiền: QTG đang cùng Ngọc Hiền và Thoại Kỳ trong chương trình tạp chí phát thanh cuối tuần với chủ đề “Thắp sáng niềm tin”.
Thoại Kỳ: Chuyện gì vậy Ngọc Hiền?
Ngọc Hiền: Đó là chuyện về Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân. Một câu chuyện về niềm tin của bệnh nhân với một bác sĩ. Chúng ta cùng nghe nhé.
Băng - Bà Lê Thị Kim Chín
(Bữa đó là không có bác sĩ trên này chắc cô không sống đâu. Mình không tả được tâm trạng khi mình tỉnh dậy rồi khi mình về nhà đâu, nó xúc động ghê lắm. Nếu bữa đó bác sĩ không nhiệt tình, đóng cửa ngủ thì cô chết rồi).
Ngọc Hiền: Đó là câu chuyện của bà Lê Thị Kim Chín, thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân cách đây 5 năm. Vào một buổi tối trên đường từ nhà con gái về, bà Chín ngất xỉu giữa đường. Lúc bác sĩ Nguyễn Văn Lợi đến nơi thì mạch và huyết áp của bà đều đã về không. Có người nói bà đã chết rồi. Nhưng với những biện pháp y học, bác sĩ Lợi đã cứu bà thoát khỏi tay tử thần.
Còn với bà Trần Thị Út và người thân, giây phút được bác sĩ Nguyễn Văn Lợi cứu sống có lẽ cả đời bà không bao giờ quên được. Lúc ấy đã hơn 10h khuya, sau khi uống thuốc, bà bị sốc phản vệ và ngất xỉu, dù được hàng xóm sơ cứu nhưng bà vẫn không có dấu hiệu tỉnh lại. Ai cũng nghĩ bà sẽ không qua khỏi, thế nhưng, may mắn đã mỉm cười với bà khi bác sĩ Lợi đến nhà kịp thời. Sau khi được bác sĩ Lợi cấp cứu, bà đã dần hồi tỉnh và chuyển xuống bệnh viện huyện để điều trị. Bà Trần Thị Út, thôn Phú Xuân A, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân cảm động nói:
Băng – Bà Trần Thị Út
(Cũng nhờ bác Lợi kịp thời cho nên cứu được, ông mà đi đâu xa thì chắc ngủ luôn chứ đâu ngồi đây mà nói chuyện được. Cho nên bây giờ cũng rút kinh nghiệm rồi, uống thuốc là cẩn thận lắm.)
Không chỉ riêng bà Út và bà Chín được bác sĩ Lợi cứu sống, mà rất nhiều người trong xã Xuân Phước đều đã được bác sĩ Lợi nhiệt tình cứu chữa. Bởi từ xã Xuân Phước đến bệnh viện huyện cũng mất hơn 30 phút đi xe máy. Những trường hợp nguy kịch mà không có bác sĩ Lợi cấp cứu ngay thì có lẽ chẳng thể cứu chữa. Chính vì thế mà niềm tin vào vị bác sĩ làng này ngày một nhân lên. Và một điều đặc biệt là trong xã hầu như ai cũng có số điện thoại của bác sĩ Lợi. Hễ khi ốm đau mà không đến được trạm xá thì chỉ cần gọi điện là bác sĩ Lợi sẽ có mặt, bất kể thời gian sáng sớm hay đêm khuya. Bà Lê Thị Kim Chín, thôn Phước Hòa xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, chia sẻ:
Băng - Bà Lê Thị Kim Chín
(Nói chung cả người già ở đây bệnh đau nằm tại chỗ đều nhờ bác sĩ hết. Bác sĩ đến chích thuốc, cho uống thuốc rồi theo dõi tình hình của bệnh nhân hết. Đau bệnh lúc nào mình gọi cũng có bác sĩ hết, bất cứ lúc nào nửa đêm hay gà gáy. Bác sĩ là người mình tin tưởng, mình đặt hết niềm tin vô đấy.)
Tốt nghiệp trường Đại học Y Huế, bác sĩ Lợi đã gắn bó với Trạm y tế xã Xuân Phước gần 30 năm. Thời gian đầu làm việc, đã có lúc bác sĩ Lợi cảm thấy nản lòng khi phải làm việc trong môi trường thiếu thốn cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Thế nhưng, khi tiếp xúc với những người dân nghèo khó nơi đây, bác sĩ Lợi đã quyết tâm gắn bó với nơi này. Trên tinh thần “còn nước còn tát”, với những ca bệnh khó, bác sĩ Lợi đều dốc hết tâm sức với mong muốn giúp người bệnh đỡ được phần nào. Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, bày tỏ:
Băng - Bác sĩ Nguyễn Văn Lợi
(Mình làm mình gắn bó với những bà con ở đây rồi thì khi cứu sống họ mình cảm thấy rất là sung sướng, rất là thoải mái. Thứ hai nữa là mình mà phiền hà mình không đi lỡ người ta chết thì lương tâm mình cũng cắn rứt. Cho nên mình đi, vì bà con mình đi.)
Nhận xét về bác sĩ Lợi, ông Trần Ngọc Dưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Phú Yên cho biết:
Băng - Ông Trần Ngọc Dưng
(Các trường hợp cấp cứu của bác sĩ Lợi với bệnh nhân sốc tim, sốc phản vệ với thuốc, mạch không, huyết áp không, mà trong tay bác sĩ Lợi chỉ có vài ống thuốc và phương tiện cấp cứu hết sức đơn sơ, đơn giản. Có như thế thôi mà bác sĩ đã cứu sống 4 bệnh nhân, ngành y tế tự hào, Sở Y tế tự hào về tấm gương sáng bác sĩ Lợi.)
(Âm nhạc)
Là một trong số ít bác sĩ chuyên khoa 1 nội công tác tại tuyến y tế cơ sở ở tỉnh Phú Yên, những cống hiến của Bác sĩ Lợi trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân đã được huyện, tỉnh và Bộ Y tế ghi nhận. Với bác sĩ Lợi, xã Xuân Phước đã trở thành quê hương thứ 2 của mình. Và niềm tin cùng sự hồi phục sức khỏe của bệnh nhân từ lâu đã trở thành niềm vui, động lực để bản thân bác sĩ tiếp tục cống hiến.
(Out nhạc)
Thoại Kỳ: QTG đang nghe chương trình tạp chí phát thanh cuối tuần của Đài PT&TH Phú Yên với chủ đề “Thắp sáng niềm tin”. Vâng thưa quý thính giả! Khoác lên mình chiếc áo Bluse trắng và mang trọng trách cao cả là cứu chữa cho các bệnh nhân, nhiều y, bác sĩ vẫn cần mẫn và nhiệt tình, mặc cho điều kiện làm việc vô cùng thiếu thốn, khó khăn.
Ngọc Hiền: Tại tỉnh ta cũng có không ít những người như bác sĩ Nguyễn Văn Lợi, đang ngày đêm thầm lặng cống hiến. Dẫu họ ở những vùng núi khó khăn, còn nhiều thiếu thốn, hay như các y bác sĩ vẫn đang ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh Covid- 19 để bảo vệ sức khỏe cho người dân.
Thoại Kỳ: Vâng! Với những người làm nghề y, có thể nơi này, chỗ kia, người này, người khác một lúc nào đó quên đi Lời thề Hippocrates. Song, vẫn còn đó hàng ngàn, hàng vạn những người như bác sĩ Nguyễn Văn Lợi. Họ thực sự là những “lương y như từ mẫu”. Cũng từ đây mà niềm tin của mọi người dành cho các y, bác sĩ lại được củng cố và lan tỏa.
Ngọc Hiền: Thính giả thân mến! Trong thực tế đời sống ngày nay, chúng ta thấy không phải ai cũng như anh Lê Trường Vũ hay bác sĩ Nguyễn Văn Lợi. Không phải vô cớ mà nhiều người có nhận xét rằng: Xã hội càng hiện đại thì con người càng xa nhau ra, con người trở nên nhỏ hẹp, ích kỷ, chỉ lo bảo bảo vệ quyền lợi của mình mà quên đi tình người, quên đi người khác.
Thoại Kỳ: Để cùng trò chuyện thêm về vấn đề này, chương trình đã mời đến phòng thu hai vị khách mời, đó là bà Phạm Thị Tương Lai, nguyên Phó Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh PY và nhà báo Dương Thanh Xuân. Xin được cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình Tạp chí phát thanh của Đài PT &TH PY.
Đầu tiên, mời các vị khách mời chúng ta sẽ cùng nghe chùm ý kiến sau đây:
- Bây giờ tôi thấy ra đường mà thấy ai bị tai nạn thì người ta không có giúp đỡ, người ta sợ liên lụy tới mình nên người ta đi luôn, đáng số, mình thấy vậy là phải ngừng lại để hỏi thăm, giúp đỡ hoặc có thể đưa xuống bệnh viện.
- Cái khẩu trang bình thường chị mua có 24 ngàn, bây giờ hỏi người ta nói 150.000. Tại sao người ta lại nhẫn tâm và ngó lơ trong lúc dịch bệnh như vậy. Đáng lẽ chúng ta nên giúp đỡ lẫn nhau, không nên lợi dụng lúc dịch bệnh mà đưa giá khẩu trang lên ngút trời như vậy.
- Lúc xưa kia thì người ta sống tình cảm, một hạt muối cũng chia sẻ với nhau. Còn bây giờ người ta thấy xã hội sống vì đồng tiền nhiều quá. Nói chung tình cảm nó ít đi, nó không như lúc trước nữa.
Thoại Kỳ: Vâng! Không biết bà Phạm Thị Tương Lai và Nhà báo Dương Thanh Xuân có những suy nghĩ gì sau khi nghe những ý kiến vừa rồi ạ?
Nhà báo Dương Thanh Xuân: Tôi nghĩ rằng bản chất của con người lúc đầu là rất tốt. Tuy nhiên trong thực tế hiện nay có nhiều vấn đề lặp đi lặp lại, đặc biệt là vấn đề xử lý những cái sai diễn ra đã không đáp ứng thực tế mà pháp luật quy định. Cho nên có tình trạng lờn thuốc và chính tình trạng đó khiến người ta nghi ngờ việc làm tốt của mình. Như tình huống mà thính giả vừa nói khi thấy tai nạn giao thông diễn ra, dù họ có muốn giúp đi nữa nhưng họ vẫn cố tránh đi. Họ sợ liên lụy, dây dưa phiền phức. Từ đó xảy ra tình trạng và những điều không tốt.
Bà Phạm Thị Tương Lai: Theo tôi nghĩ trong xã hội thì cũng có người này, người kia. Chúng ta thấy trong cộng đồng vẫn có nhiều người hy sinh cả tính mạng vì cộng đồng, chứ không phải ai cũng vì lợi ích riêng của mình. Giữa sự ích kỷ, dành cho mình tất cả và sự chia sẻ thì nó đan xen.
Thoại Kỳ: Vâng! Theo hai vị khách mời thì nguyên nhân do đâu mà người ta lại sống thờ ơ, lạnh nhạt và thiếu tình người như vậy?
Bà Phạm Thị Tương Lai: Theo tôi thì trong cuộc sống có sự dành giật để vươn lên. Bởi có người này, người kia đã bị tổn thất nên lần sau họ sẽ thu mình lại, họ ứng xử ít tình cảm hơn, lý trí hơn, bớt chia sẻ để an toàn thoàn cho bản thân họ. Bạo lực thì có tính leo thang, hễ người này chọc người kia một cái thì người kia sẽ chọt mạnh hơn.
Nhà báo Dương Thanh Xuân: Tôi thêm một ý nữa với chị Tương Lai là do tác động của xã hội, các loại hình văn hóa nghệ thuật, nhất là phim ảnh bạo lực cũng dễ làm thói quen, tính thiện, lòng tốt của giới trẻ dần mạnh tay quá, nó quen chứng kiến cảnh bạo lực rồi. Thành thử ra ngoài đời mà cứ tưởng trong phim, thấy cuộc sống dữ dội quá. Thứ hai, là việc cha mẹ chăm sóc dạy dỗ con cái. Cha mẹ lo làm ăn mà quên mất dạy con những điều bình thường nhất, dạy con đối xử với người khác một cách đàng hoàng, tử tế.
Thoại Kỳ: Vâng thưa nhà báo Dương Thanh Xuân, khi mà con người ta sống mà đánh mất tình người thì nó sẽ ảnh hưởng như thế nào?
Nhà báo Dương Thanh Xuân: Các đây không lâu tôi thấy trên mạng xã hội có một sự việc rất là đau lòng, từ một việc tranh chấp rất là nhỏ là mảnh đất nhỏ trong gia đình thôi mà người con trai đã giết cả gia đình, và cả cháu nữa, gây ra một bi kịch gia đình rất là lớn. Ở Phú Yên cũng có một số vụ như vậy, chỉ có một tranh chấp nhỏ về đất đai, kinh tế hay thị trường chút đỉnh thôi nhưng cũng dùng bạo lực. Phải nói là dư luận xã hội phản đối chuyện này. Bởi nó gây ra hệ lụy rất là xấu.
Thoại Kỳ: Vâng! Câu chuyện của nhà báo Dương Thanh Xuân làm Thoại kỳ nhớ đến câu chuyện về một người mẹ già gần 90 tuổi bị tai biến phải sống trong một cái chòi, nhưng sát bên cạnh nhà cụ là nhà của người con trai ruột đến 3 tầng. Trong cuộc sống dù bất kỳ lý do gì thì tình người và tình mẫu tử phải là quan trọng nhất đúng không ạ. Vâng và khi con người ta sống thiếu đi niềm tin vào tình người thì cuộc sống này chẳng còn tươi đẹp nữa phải không bà Tương Lai?
Bà Phạm Thị Tương Lai: Đúng rồi, lúc ấy mọi người sẽ nhìn nhau với ánh mắt mang hình viên đạn, không còn sự cảm thông chia sẻ, gắn kết, mà tất cả như người máy robot. Mất đi mục đích, ý nghĩa cuộc sống, không còn là thưởng thức cuộc sống nữa mà con người sẽ như những cỗ máy bên cạnh nhau chứ không có sự gắn kết và ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của xã hội đấy. Người ta chỉ chăm chăm bảo vệ lợi ích của bản thân. Tôi thấy như đại dịch Covid 19 chẳng hạn, mọi người tranh nhau mua khẩu trang trong khi chỉ cần vài cái là vừa, nhưng mọi người vẫn cố mua tạo ra sự bức xúc trong xã hội.
Thoại Kỳ: Vâng thưa các vị khách mời, giữa cuộc sống bộn bề như thế này, thì làm thế nào để con người ta có thể giữ lòng tin với nhau, giữ niềm tin vào tình người?
Bà Phạm Thị Tương Lai: Tôi nghĩ là niềm tin mà đánh mất thì tìm kiếm lại rất là khó. Khi mà người ta làm tổn thương đến lòng tin của mình thì cứ nghĩ là cực chẳng đã người ta mới làm như thế để mình tự vun đắp lòng tin của mình. Thứ hai, như giáo lý nhà Phật là chúng ta bớt tham sân si, hay như Bác Hồ dạy là “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” tức là mình hài hòa giữa lợi ích riêng mình, gia đình mình với lợi ích của cộng đồng.
Nhà báo Dương Thanh Xuân: Tôi nghĩ lòng tốt phải đến đúng đối tượng tiếp nhạn thì lòng tốt mới có chỗ đứng, và nó được nhân lên, rộng ra. Mọi người tin tưởng thì tình người sẽ được nhân lên nhiều hơn. Tôi nghĩ rằng phải có nhiều hình thức để định hướng tâm tư, tình cảm của con người theo một quỹ đạo tốt đẹp hơn. Như nhà thơ Tố Hữu từng viết “Có gì đẹp trên đời hơn thế nữa
Người với người sống để yêu nhau”.
Thoại Kỳ: Vâng, câu thơ rất hay, rất hợp với chủ đề ngày hôm nay, xin cảm ơn hai vị khách mời đã dành thời gian cho chương trình của Đài Phát thanh và truyền hình Phú Yên.
(Âm nhạc)
Ngọc Hiền: Mời QTG tiếp tục theo dõi chương trình tạp chí phát thanh cuối tuần của Đài PT&TH Phú Yên với chủ đề “Thắp sáng niềm tin”. Vâng, thưa QTG Những chia sẻ của hai vị khách mời quả thật là thú vị! Giữa cuộc sống còn không ít những thông tin hàng ngày về sự vô cảm, thậm chí là vô nhân tính. Nhưng, mọi người đừng nên hoang mang, bởi xu hướng của xã hội là luôn hướng về điều tốt. Và lòng nhân ái, sự bao dung chưa bao giờ và sẽ không bao giờ biến mất khỏi thế giới này.
Thoại Kỳ: Ngay bây giờ chúng ta sẽ cùng đến với câu chuyện về một địa chỉ tin cậy của một người phụ nữ đặc biệt. Khoảng 5 năm trở về trước, tại nhiều xã khó khăn ở huyện miền núi Sông Hinh, tình trạng chị em phụ nữ bị bạo hành diễn ra rất phổ biến. Với nhiều người, cuộc sống đã rơi vào tận cùng của đau khổ do nạn bạo hành.
Ngọc Hiền: Thế nhưng các chị đã may mắn tìm thấy được nơi bấu víu– đó là chị Nguyễn Quang Thị Thinh ở buôn Trinh, xã EaBar, huyện Sông Hinh. Chính từ nơi này, cuộc đời của nhiều chị em phụ nữ đã được bước sang một trang mới – trang của niềm tin yêu, của hạnh phúc. Chúng ta cùng đến với câu chuyện của chị.
Băng
(Trước đây em ám ảnh nhiều lắm…chỉ cần nghe tiếng chồng là tìm nơi trốn, sau cánh cửa đủ kiểu hết, bồng con chạy khắp…)
(Âm nhạc)
Ngọc Hiền: Đã 5 năm trôi qua, song với người phụ nữ chưa bước qua tuổi 30 này, vẫn còn đầy những ám ảnh. Ám ảnh về những trận đòn vô cớ của chồng sau mỗi cơn say; về khoảng thời gian kinh tế gia đình kiệt quệ vì chồng có thói ham mê cờ bạc. Và thậm chí, ngay cả quyền làm mẹ, quyền được chăm sóc con, chị cũng từng bị tước đoạt. Thế nhưng, trong nỗi đau cùng cực đó, chị đã tìm được một nơi để bấu víu và hy vọng....Chị Nguyễn Thị Lan, xã EaBar, huyện Sông Hinh, tâm sự:
Băng Chị Nguyễn Thị Lan
(Không nhờ tới đây thì vợ chồng em có lẽ tan lâu rồi, em cũng làm đơn gửi đi rồi nhưng gặp được cô Thinh cô tư vấn và giải hòa, cô góp ý thì vợ chồng em mới được lại, chứ không em bỏ lâu rồi.)
Ở thời điểm đó, tình trạng chị em phụ nữ bị bạo hành trở thành vấn nạn nhức nhối tại xã EaBar, huyện Sông Hinh. Không chỉ bị người thân bạo hành, nhiều phụ nữ bị đánh đập chỉ vì những xích mích, va chạm nhỏ với những người xung quanh. Kể lại câu chuyện cách đây 4 năm, bà Hùy vẫn còn bàng hoàng. Là người phụ trách tổ vay vốn của thôn, chỉ vì một hiểu nhầm nhỏ xung quanh việc cho vay, mà bà bị một người đàn ông đánh đập, khiến phải nhập viện dài ngày. Bà Lê Thị Hùy, xã EaBar, huyện Sông Hinh, kể lại:
Băng Bà Lê Thị Hùy
(
Chị Nguyễn Quang Thị Thinh, xã EaBar, huyện Sông Hinh cho biết:
Băng Chị Nguyễn Quang Thị Thinh
(Cũng có trường hợp khi tới đây thì áo quần ướt sũng, đất thì đất đỏ nên chị chu cấp áo quần chị cho mặc. Nói chung là trong tình trạng sợ hãi luôn. Cũng có trường hợp là cả gia đình chồng vác dao, rựa nạp, chạy xuống cô thế là cô cho trốn ở ngoài rẫy kia. Trốn đã cô cho ở lại làm công luôn.)
Mỗi khi có sự cố bất ngờ như thế xảy ra, các chị em trong xã lại tin tưởng tìm đến nhà chị Nguyễn Quang Thị Thinh. Bởi trong ngôi nhà của chị, có một khu vực được thiết kế riêng để các chị ẩn náu tạm thời, thậm chí sống dài ngày tại đây. Không gian rộng khoảng 20m2 này được thiết kế kín với đầy đủ tiện nghi sinh hoạt và có lối thoát hiểm khi cần thiết. Hoạt động gần 20 năm, ngôi nhà này đã trở thành nơi lánh nạn an toàn của chị em mỗi khi bị bạo hành. Không ít vụ việc xảy ra với tính chất côn đồ, phức tạp, liên quan đến pháp luật.
Chị Nguyễn Quang Thị Thinh nói:
Băng Chị Nguyễn Quang Thị Thinh
(Họ đập bàn, đập ghế hoặc họ xua đuổi việc nhà tôi tôi không cần, nói chung nhiều lý do lắm. Có những trường hợp mình bảo vệ nạn nhân trong nhà mà người nhà tìm được, họ sẽ vu khống cho mình...Nhưng mình vẫn hết sức chịu đựng, chịu khó phân tích.)
Không chỉ san sẻ nỗi đau với chị em, bằng vốn hiểu biết và sự tận tâm của mình, chị Thinh còn trực tiếp đi tuyên tuyền, vận động và đứng ra làm công tác hòa giải cho các bên khi xảy ra mâu thuẫn. Qua việc làm của chị, đã có nhiều gia đình được sum họp, nhiều mối quan hệ hàng xóm láng giềng được hàn gắn và phát triển tốt đẹp hơn. Hai năm trở lại đây, tình trạng bạo hành phụ nữ nơi đây cũng giảm hẳn. Chị em đã tự tin, bản lĩnh hơn để xây dựng cuộc sống hạnh phúc cho chính mình. Bà Lê Thị Thắng, xã EaBar, huyện Sông Hinh phấn khởi nói:
Băng Bà Lê Thị Thắng
(Cô Thinh đã giúp đỡ biết bao nhiêu hoàn cảnh, không chỉ phụ nữ mà còn hội nông dân, tập thể, đem lại niềm vui cho mọi nhà, đem lại hạnh phúc cho mọi người. Giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, hội nông dân có nhu cầu. Đây là địa chỉ tin cậy nhất của xã EaBar.)
Ông K’Sor Y Hét, Chủ tịch UBND xã EaBar, huyện Sông Hinh, cho biết:
Băng Ông K’Sor Y Hét
(Mỗi khi gia đình, vợ chồng, con cái có gì xích mích thì tới đó và họ coi đó là địa chỉ để tư vấn, hướng cho họ làm sao để giữ được gia đình hạnh phúc và tìm hướng tháo gỡ giữa vợ chồng với con cái.)
(Âm nhạc)
Cũng từng nếm trải nỗi đau của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc, có lẽ vì thế chị đã đồng cảm và thấu hiểu. Giờ đây với chị, hạnh phúc của những người phụ nữ nơi vùng cao này là hạnh phúc của chính mình. Còn với nhiều chị em nơi đây, địa chỉ tin cậy của chị Nguyễn Quang Thị Thinh là nơi hạnh phúc được hồi sinh, nơi niềm tin được chắp cánh.
(Out nhạc)
Thoại Kỳ: Vâng thưa QTG! Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật mà chương trình mang đến đều là những minh chứng sống của đời thường. Và Thoại Kỳ tin rằng, thính giả sẽ có thêm niềm tin vào cuộc sống, vào tình người. Cho dù trong cuộc sống này có đổi thay ra sao, phát triển thế nào, dù cho con người ta có thay đổi đến đâu thì bất kỳ nơi đâu, bất kỳ lúc nào, tình người và lòng nhân ái vẫn luôn hiện hữu. Và khi niềm tin ở lại thì cuộc đời này thật đẹp đẽ biết bao!
Ngọc Hiền: Một giai điệu tươi vui của nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Thiện sẽ làm cho buổi sáng của chúng ta thêm phần hứng khởi. Chúng ta cùng thưởng thức nhé:
Bài Hát – Ơi Cuộc Sống Mến Thương
Thoại Kỳ: Thính giả thân mến! Bài hát “Ơi cuộc sống mến thương” mà quý thính giả vừa nghe cũng đã khép lại chương trình Tạp chí phát thanh cuối tuần của Đài phát thanh và Truyền hình Phú Yên với chủ đề “Thắp sáng niềm tin”.
Ngọc Hiền: Ngọc Hiền và Thoại Kỳ, kính chào quý thính giả và hẹn gặp lại Quý thính giả trong những chương trình lần sau!
(Out nhạc_hết)