LIÊN HOAN PHÁT THANH TOÀN QUỐC
LẦN THỨ XIV NĂM 2020
Tác phẩm: Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc
Thể loại: Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc Ê Đê
Thời lượng: 28 phút 57’’
Tác giả: Lưu Khánh-Kpa Y Chứ
Phát sóng: Ngày 28/2/2020
Kịch bản Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc Ê Đê
Kịch bản và Đạo diễn: Lưu Khánh
Biên tập và dịch ngôn ngữ Ê Đê: Kpa Chứ, Măng Ly Hương
1-Nhạc mục Chương trình Phát thanh tiếng dân tộc Ê Đê
-Măng Ly Hương: Chào bà con và các bạn! Mời bà con và các bạn nghe chương trình phát thanh tiếng Ê đê của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên.
-Kpa Chứ: Chương trình được phát trên sóng FM tần số 96Mhz hoặc tại địa chỉ www.ptpphuyen.vn
Headlines:
+ Trong chương trình hôm nay, mời bà con nghe phần “Nhịp sống buôn làng” với câu chuyện gia đình nhà H’ Như ở xã Eatrol, huyện Sông Hinh (YChứ).
-Trích tiếng động phỏng vấn H’ Như bức xúc
-Chương trình cũng đã có cuộc phỏng vấn với ông Ka Sô Bách, Tòa án nhân dân huyện Sông Hinh về việc giải quyết các mâu thuẫn ở các buôn làng (Ly Hương)
-Trích tiếng ông Bách
- Và bà con sẽ cùng nghe về hiệu quả của một mô hình địa chỉ tin cậy của bà con buôn làng ở xã Eabar, huyện Sông Hinh (Chứ).
-Trích tiếng động chị H’Doan
- Phần cuối chương trình, mục “Bản sắc buôn làng” là tâm huyết của họa sĩ trẻ Kpa Tý trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua hội họa (Ly Hương).
-Trích tiếng động Kpa Tý
Mời bà con và các bạn cùng nghe chi tiết nội dung chương trình ( Y Chứ).
2-Nhạc mục Nhịp sống buôn làng
-Măng Ly Hương: Thưa bà con! Ở một số buôn làng ở miền Trung Tây nguyên hiện nay vẫn còn tồn tại những phong tục tập quán lạc hậu. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của bà con nhân dân địa phương.
-Kpa Chứ: Vâng, hệ lụy từ hủ tục đối với bà con đồng bào các dân tộc thiểu số thì đã rõ. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng này thực sự là không dễ dàng, như chuyện nhà H’Như ở xã Eatrol huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên.
-Ở xã Eatrol, huyện Sông Hinh, khi nói đến chuyện nhà Ksor H’Như ở buôn Thu, dường như ai cũng biết và rất ngại đề cập đến vấn đề này.Để tìm hiểu thực hư sự việc, chúng tôi tìm đến UBND xã Eatrol nhưng cũng không thể hiểu chuyện gì đang xảy ra. Một cán bộ UBND xã Eatrol ngại ngùng thổ lộ với chúng tôi:
-Băng 1 (Hà Thị Thìn)
-Theo chỉ dẫn của bà con buôn làng, chúng tôi tìm đến gia đình nhà Ksor H’ Như. Tuy nhiên, H’Như không có nhà nên chúng tôi đành qua nhà H’Rí, chị của H’Như ở cách không xa.
(Tiếng động Kpa Y Chứ gọi chủ nhà, tiếng H’Rí đáp lại)
-Chị H’ Rí là chị của H’Như, con của ông Y T’Lưng. Chuyện xảy ra đã hơn 5 tháng nhưng đến giờ chị vẫn còn bức xúc:
-Tiếng băng chị H’Rí
-Theo lời chị H’Rí, cha chị vừa đột ngột mất đi thì mâu thuẫn gia đình xảy ra khi phía gia đình, dòng họ của cha đem về làm thủ tục an táng và không cho chị em của chị thể hiện đạo làm con. H’ Như là đứa con gái út của cha, ở với cha trước thời điểm ông qua đời nhưng cũng bị đối xử tệ bạc. Chị H’ Như nghẹn lời khi bày tỏ lòng mình:
-Tiếng băng chị H’Như
-Ông Ksor Y Thanh, Chủ tịch UBMTTQ xã Eatrol cho biết, đây là sự việc xảy ra rất đang tiếc và có nhiều điều phức tạp khiến cho xã chưa thể giải quyết được. Liên quan đến vụ việc này, xã đã nhiều lần tiến hành hòa giải, thương thảo với các bên. Ông Ksor Y Thanh cho biết:
-Tiếng băng ông Ksor Y Thanh
-Hiện nay, vụ việc đang được các cấp chính quyền ở Eatrol và huyện Sông Hinh quan tâm xử lý. Tuy nhiên, do tâm lý e ngại nên công tác hòa giải, xử lý vẫn còn gặp nhiều khó khăn.H’Như, đứa con gái út của ông Y T’Lưng hiện đang trong hoàn cảnh vô cùng bế tắc. Mẹ mất sớm, rồi cha cũng đột ngột ra đi, ngày ngày, mẹ con H’Như dường như chỉ vật vạ trong ngôi nhà cũ đã xuống cấp của cha và gần như không có sinh kế vì không có đất đai canh tác. H’Như cũng chưa thể đi làm thuê kiếm sống vì con còn nhỏ.Vì vậy, H’Như rất mong được sự giúp đỡ của mọi người.
-Tiếng băng H’Như
-Ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Phú Yên, hiện vẫn còn một số phong tục tập quán lạc hậu khiến cho đời sống của bà con gặp nhiều khó khăn như: thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tục nối dây..Những câu chuyện xảy ra như chuyện nhà H’Như dù chỉ thi thoảng, có lúc có nơi song để lại bao day dứt cho bà con buôn làng.Hệ lụy nhất phải kể đến là đối với những yếu thế, những chị em phụ nữ với gánh nặng gia đình, sinh kế làm giảm chất lượng cuộc sống.
-Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương và các đoàn thể, già làng ở các buôn đã quan tâm hòa giải, xử lý để bà con nhận thức và tuân thủ pháp luật của Đảng và nhà nước, cùng nhau chia sẻ, hổ trợ để phát triển cuộc sống tốt hơn. Bà con ở buôn làng hy vọng, những vụ việc như thế sẽ sớm được giải quyết một cách thỏa đáng để cuộc sống buôn làng bình yên và no ấm.
3-Nhạc cắt Phỏng vấn
Kpa Chứ: Thưa bà con! Vụ việc ở xã Eatrol vừa qua quả là đáng tiếc và rất phức tạp.Tuy nhiên, không phải là không giải quyết được.Ở góc độ pháp lý, chúng tôi đã tham vấn một số người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành tư pháp ở huyện miền núi.
Măng Ly Hương: Vâng, phóng viên chương trình đã có cuộc trao đổi phỏng vấn với ông Ka Sô Bách hiện đang công tác tại Tòa án nhân dân huyện Sông Hinh. Cần nói thêm là ông Bách cũng là một người Ê Đê, một người am hiểu pháp luật cũng như phong tục của đồng bào. Mời quí thính giả và bà con cùng nghe.
-Thưa ông Ka Sô Bách, là người có kinh nghiệm lâu năm trong công tác ngành tòa án, ông có thể cho biết quan điểm của ông về những hệ lụy từ những phong tục lạc hậu hiện vẫn còn tồn tại ở các buôn làng Tây nguyên nói chung và ở huyện Sông Hinh nói riêng?
-Trả lời 1 phút
-Là một người Ê Đê, và cũng là người đang công tác trong lãnh vực tư pháp, ông có thường gặp những trường hợp như chuyện gia đình H’như ở xã Eatrol hay một số chuyện tương tự như chúng tôi đã đề cập trong chương trình này?
-Trả lời 1 phút
-Theo ông, hướng xử lý về vấn đề này như thế nào?
-Trả lời
-Từ những vụ việc lên quan đến những hủ tục lạc hậu ở một số buôn làng, ông có cảm nghĩ như thế nào để chúng ta hướng đến việc chấn chỉnh và xử lý dứt điểm tình trạng này và đêm lại cuộc sống yên bình cho bà con?
-Trả lời 1 phút
-Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của Đài PT&TH Phú Yên.
4-Nhạc cắt Phóng sự
-Măng Ly Hương: Bà con và các bạn đang cùng Y Chứ và Ly Hương trong chương trình phát thanh tiếng Ê Đê của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên. Thưa bà con và các bạn! Hiện nay, đời sống của người dân miền núi vẫn còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, hiểu biết về pháp luật có phần hạn chế, tình trạng bạo hành, bạo lực đã và đang diễn ra ở không ít gia đình trên địa bàn huyện. Trong những trường hợp bạo hành, đa số phụ nữ là đối tượng yếu thế.
-Kpa Chứ: Với vai trò, trách nhiệm của mình, thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ đã xây dựng được cac “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng.
-Măng Ly Hương: Thông qua các địa chỉ này, đến nay có hàng trăm lượt chị bị bạo hành thường xuyên đến tạm lánh tại các địa chỉ và được tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời.
-Kpa Chứ: Thưa quí khán giả, mô hình địa chỉ tin cậy đã phát huy hiệu quả ở các buôn làng miền núi. Nó không chỉ là chỗ dựa cho chị em phụ nữ mà còn là nơi giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Mời quí thính giả và bà con cùng lắng nghe câu chuyện sau đây.
-Trong căn phòng nhỏ của nhà bà Nguyễn Quang Thị Thinh ở xã Eabar, huyện Sông Hinh, H’Doan, cô gái người Ê Đê ngại ngùng kể với chúng tôi về thời gian buồn khổ của gia đình mình. H’Doan lấy chồng sớm theo phong tục, gọi là tảo hôn. Chồng H’Doan của là bạn đồng trang lứa ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới nên mâu thuẩn gia đình thường xuyên. H’Doan luôn bị chồng mắng, đánh đập với nhiều lý do và bỏ bê công việc nương rẫy. Cuộc sống gia đình H’Doan thời điểm ấy thực sự căng thẳng khiến chị bị trầm cảm.H’Doan thật sự không muốn nhớ lại thời gian ấy.
-Tiếng băng H’Doan
-Biết được hoàn cảnh của H’Doan, bà Nguyễn Quang Thị Thinh đã thường xuyên đến nhà hòa giải, khuyên bảo đôi vợ chồng trẻ. Thậm chí, có lúc bà phải đứng ra khuyên can chồng H’Doan để hồi tâm chuyển ý mà thương yêu vợ con, lo làm ăn, xây dựng cuộc sống gia đình. Bà Nguyễn Quang Thị Thinh luôn đồng cảm với những người phụ nữ như chi H’Doan:
-Tiếng băng bà Thinh
Cách đây hơn 24 năm, bà Nguyễn Quang Thị Thinh đưa hai đứa con thơ dại đến vùng đất Ea Bar lập nghiệp. Ở vùng đất mới này, bà Thinh đã chăm chỉ làm ăn với phương châm “lấy ngắn nuôi dài’, bà bắt đầu phát triển kinh tế với việc xây dựng lò gạch, trồng cà phê, cao su và trồng rừng. Đến bây giờ, kinh tế gia đình khá ổn định với thu nhập hàng năm của gia đình chị trên 200 triệu đồng và giúp đỡ nhiều bà con ở các buôn làng cùng nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Vậy mà, mỗi khi nhắc đến lý do vì sao đến đây lập nghiệp, bà Thinh không khỏi chạnh lòng để kể về những điều buồn khổ của bản thân do bạo lực gia đình.
-Tiếng băng bà Nguyễn Quang Thị Thinh
-Thiếu kiến thức pháp luật, bị bạo lực gia đình luôn là vấn nạn đối với chị em phụ nữ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Đến giờ, bà Thinh vẫn còn nhớ như in thời gian chị Nguyễn Thị Thảo tìm đến bà như một sự cầu cứu khi bị chồng bạo hành, đuổi đánh.Chị phải trốn giữa rừng trong đem khuya để bảo toàn mạng sống. Rất may cho chị là bà Thinh đã giúp đỡ kịp thời, đưa chị về nhà bà để tạm lánh. Và sau đó tìm cách hàn gắn tình cảm vợ chồng dù rất khó khăn. Chị Nguyễn Thị Thảo nhớ lại:
-Tiếng băng chị Thảo
-Xuất phát từ tâm nguyện muốn giúp đỡ bà con, nhất là chị em phụ nữ yếu thế, bị bạo lực gia đình, thiếu kiến thức pháp luật, bà Thinh đã cùng với Hội LHPN xã Eabar đứng ra thành lập mô hình địa chỉ tin cậy. Từ đó đến nay đã hơn 10 năm, bà Thinh không nhớ nổi có bao nhiêu trường hợp chị em phụ nữ ở vùng miền núi này tìm đến bà nhờ giúp đỡ.Và bà luôn sẵn lòng để giúp mà không đòi hỏi bất cứ điều gì.Thậm chí, bà còn tạo điều kiện để họ hàn gắn hạnh phúc, xây dựng gia đình, phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Chị H’Dem, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea bar thực sự tin tưởng vào địa chỉ tin cậy của bà Nguyễn Quang Thị Thinh để giúp đỡ và chia sẻ cùng chị em phụ nữ, nhất là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. H’Dem cho biết:
-Tiếng băng H’Dem
-Từ mô hình của xã Eabar, hiện nay, Hội Phụ nữ huyện Sông Hinh đã xây dựng được 25 “Địa chỉ tin cậy” ở 11 cơ sở Hội do cán bộ, hội viên hay những người có uy tín tại cộng đồng đảm trách. Thông qua các địa chỉ này, từ năm 2013 đến nay có trên 200 lượt chị bị bạo hành thường xuyên đến tạm lánh tại các địa chỉ và được tư vấn, can thiệp, hỗ trợ kịp thời. Nhờ đó, nhiều chị em được bảo vệ trước nạn bạo hành gia đình, nhiều cặp vợ chồng được hàn gắn, thuận hòa sau những tháng ngày sóng gió.
5-Nhạc mục Bản sắc buôn làng
-Măng Ly Hương: Bà con và các bạn đang nghe chương trình phát thanh tiếng Ê đê của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên phát trên sóng FM tần số 96Mz. Thưa bà con và các bạn! So với những năm trước đây, cuộc sống ở các buôn làng ở các huyện miền núi Phú Yên đã có nhiều khởi sắc.Kinh tế phát triển, đời sống của bà con cũng được nâng lên đáng kể.
-Kpa Chứ: Tuy nhiên, có điều đáng lo ngại là một số nét văn hóa truyền thống của dân tộc đã bị phai mờ dần. Bởi hầu hết thanh niên chỉ thích cái mới, cái hiện đại mà quên đi cái hồn của dân tộc mình.
-Măng Ly Hương: Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc? Câu hỏi này đã làm nhiều người trăn trở, trong đó có họa sĩ Kpa Tý ở huyện Sông Hinh.
-Kpa Chứ: vâng, Kpa Tý là một họa sĩ trẻ, tài năng. Và với năng khiếu hội họa và tình yêu dân tộc của mình, anh đã và đang nổ lực tái hiện bản sắc văn hóa của dân tộc qua tác phẩm mỹ thuật. Mời quí thính giả và bà con cùng nghe câu chuyện của họa sĩ Kpa Tý nhé.
(Tiếng động mọi người lên nhà rông, xem tranh)
-Khác với nhiều nhà người Ê Đê ở đây, nhà Kpa Tý không chứa nhiều bao thóc, bao lúa nhưng lại có khá nhiều tranh vẽ. Những cuốn tập vẽ của thời đi học mẫu giáo trường làng, rồi đến bậc tiểu học, trung học được Kpa Tý giữ lại như một tài sản quý trong gia đình.Kpa Tý gọi đó là những bức tranh tuổi thơ, là giấc mơ của đời mình. Kpa Tý kể lại:
-băng 1
Mình vẽ bút chì rồi bút sáp, mình lấy giấy A4 rồi tập viết của mình, mình rứt đôi ra để vẽ, thường mình vẽ phong cảnh, chân dung, rồi mình thấy thích gì thì mình vẽ. Cảnh buôn làng, những lễ hội, bà con đồng bào mình.Đó là giấc mơ của mình.
-Có lẽ vì chỉ tập trung vẽ thay vì phải học tập nên những năm học trường làng từ bậc tiểu học, đến trung học, rồi trường Dân tộc nội trú, Kpa Tý luôn được xếp vào loại học sinh cá biệt. Mê vẽ là thế nhưng con đường của Kpa Tý vào trường Mỹ thuật Huế cũng khá nhiều chông gai, thử thách, thậm chí phải thi đi đi lại mới đậu.Bây giờ, họa sĩ Kpa Tý vẫn chưa quên quãng thời gian khó khăn ấy:
-Tiếng băng Kpa Tý
Mình phải ôn luyện rồi đi thi, thi không thành công chỗ này thì mình phải ôn lại, đến khi thành công thì mình được đi học. Lúc được đi học thì mình thấy trong người nhẹ nhõm đi, thấy sảng khoái, vui vẻ, tươi lên
-Ở Phú Yên, ít có họa sĩ nào “sống được” bằng nghề của mình.Đó là thực tế từ nhiều năm nay.Dĩ nhiên, Kpa Tý biết rõ điều đó nhưng từ lúc ra trường đến nay, anh gần như chẳng chịu đi kiếm việc làm đúng với ngành nghề mình đã học.Và kể cả một số công việc khác có mức lương khá tốt ở vùng miền núi Sông Hinh cũng không làm anh họa sĩ nghèo này quan tâm. Bởi, Kpa Tý chỉ thích ngồi nhà để thỏa thích trong niềm đam mê sáng tạo mỹ thuật. Với anh, đó mới chính là cuộc sống của mình.
-Kpa Tý thích loại tranh sơn dầu và acrylic vì cho rằng nó hợp với phong cách của riêng mình. Anh trăn trở từng nét vẽ để làm sao thể hiện hết cái hồn dân tộc mình.Họa sĩ Kpa Tý tâm sự:
-Tiếng băng Kpa Tý
Cái này giống như thấm thía trong đầu, tâm huyết con người rồi, vẽ đây giống như mình làm cái nghề, mõi ngày, ngày này sang ngày kia, là phải đam mê cái nghề mới thành công được.
Cảm xúc của một cái tranh đây, người thường nhìn vô là nó thấy xong rồi, còn mình nhìn qua nhìn lại thì thấy chưa xong, ngày mai mình tiếp tục mình vẽ, thấy chưa ổn thì mình tiếp tục nữa, giống như bức tranh là một đam mê, muốn hoàn thiện thì phải đầu tư thời gian rất dài
-Rõ ràng, để sống với niềm đam mê hội họa không hề đơn giản. Tranh thì không bán được để kiếm tiền.Cái bụng đói thì cái chân phải bước ra khỏi nhà để đi làm nương, làm rẫy hoặc làm thuê cho người khác.
-Vợ chồng Kpa Tý được tham gia trồng mì, trồng lúa nước trên phần đất của cha mẹ để lại để lấy công làm lời. Kpa Tý lấy vợ được hơn 4 năm nay. Vợ anh dù đang mang thai đứa con thứ hai vẫn cố gắng đi làm để cải thiện cuộc sống gia đình. Phần được chia từ mấy sào mì, ba sào lúa thực sự không đủ.Cái khó luôn bao vây nhà Kpa Tý.Chị Hờ Pliê Ksor, vợ Kpa Tý trải lòng mình về hoàn cảnh gia đình:
-Tiếng băng chị Hờ Pliê Ksor
Có ngày thì đi làm, có ngày thì làm thuê, có ngày thì ở nhà, cuộc sống cũng khó khăn. Nghề của ông thì ổng theo đuổi nghề, nếu được thì kinh tế gia đình cũng được, nếu không thì đi làm cỏ, làm rẫy thôi, làm lúa chớ đâu có gì nữa.
-Dẫu khó khăn nhưng Kpa Tý chưa bao giờ từ bỏ giấc mơ của mình với hội họa. Cho đến nay, số lượng tác phẩm của Kpa Tý có thể xem là khá nhiều.Tranh xếp lớp trong ngôi nhà dài của ông bà nội Kpa Tý.Tranh ở trong kho của nhà bố Kpa Tý ở thị trấn Hai Riêng.Nhưng làm gì để bán được tranh thì Kpa Tý hoàn toàn không nghĩ tới.Anh cứ vẽ như là một đam mê.Họa sĩ Võ Tĩnh, Chi hội trưởng Chi hội mỹ thuật tỉnh Phú Yên rất ngạc nhiên và ngưỡng mộ tài năng của Kpa Tý:
-Tiếng băng họa sĩ Võ Tĩnh
Thật bất ngờ khi chúng tôi trực tiếp đến phòng tranh của Kpa Tý.Nhìn quá trình sáng tác và tác phẩm của Kpa Tý thì đây là một trong những họa sĩ tương lai của đồng bào thiểu số. Kpa Tý có tố chất sáng tác rất tốt nhưng còn phải học hỏi nhiều hơn nữa, vẽ nhiều hơn nữa, đi nhiều hơn nữa để cùng với đồng nghiệp có nhiều tá phẩm đạt giải cao hơn.
-Khi nói đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Phú Yên, người ta thường nghĩ đến những lễ hội tín ngưỡng, mùa màng, những bức tượng nhà mồ huyền bí, là cồng chiêng, là cà phê, cao su, mía sắn..Nhưng làm thế nào để đưa chúng vào không gian
mỹ thuật, vào tác phẩm hội họa. Điều ấy làm Kpa Tý luôn trăn trở vì trước đây, gần như chẳng có ai làm. Kpa Tý không ngại luồn từng, băng suối để đến, để khắc họa chúng.Kpa Tý muốn lưu giữ lại những nét văn hóa dân tộc mình qua tranh vẽ.Tác phẩm: “Lễ cúng mừng trưởng thành” của Kpa Tý là một ví dụ sinh động và nó đã được trao giải nhất cuộc vận động sáng tác VHNT tỉnh Phú Yên chào mừng 30 năm tái lập tỉnh. Họa sĩ Kpa Tý rất vui mừng khi nói đến thành công bước đầu này:
-Tiếng băng Kpa Tý (đã thu trong máy Kpa Chứ)
-Người Ê Đê vẫn hay nói: Cái bụng chưa no thì cái đầu sẽ không sáng. Kpa Tý hiểu điều đó nhưng anh đã quyết tâm theo đuổi nghiệp cầm cọ. Vì đó mới chính là giấc mơ của anh, là lẽ sống của anh, một người con của buôn làng Ê Đê với nghệ thuật.Họa sĩ Kpa Tý chia sẻ về ước mơ của mình.
-Tiếng băng Kpa Tý
Tới đây mình muốn thể hiện không gian người đồng bào thiểu số ở huyện Sông Hinh mình. Mình muốn khai thác chất liệu văn hóa dân tộc như: Lễ Mừng tuổi trưởng thành, các nghi lễ, vòng đời của người ê Đê, mình muốn khai thác hết nét đẹp tượng nhà mồ, sinh hoạt văn hóa dân tộc bởi vì bây giờ giá trị đó bị mai một đi, nó dần dần mất đi thì tiếc lắm.
-Với ý chí và lòng đam mê, Kpa Tý vẫn đang thai nghén nhiều ý tưởng sáng tạo hội họa. Và anh đang cố gắng cho ra nhiều tác phẩm chất lượng cao và giàu ý nghĩa nhân văn, thể hiện sức sống và hồn dân tộc của mình.
6-Nhạc cắt kết chương trình
- Măng Ly Hương: Thưa bà con và các bạn! Chương trình phát thanh tiếng Ê Đê của Đài PT & TH Phú Yên đến đây xin tạm dừng.
Kpa Chứ: Xin cảm ơn sự quan tâm lăng nghe của bà con và các bạn! Xin chào và hẹn gặp lại trong các chương trình sau.
Tác giả: Lưu Khánh