Chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên vùng trồng tiêu kém hiệu quả

11:43, 13/09/2022 [GMT+7]

 

Chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên vùng trồng tiêu kém hiệu quả
Chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên vùng trồng tiêu kém hiệu quả

 

Nhằm đảm bảo mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng đất trên một đơn vị diện tích và hỗ trợ địa phương hình thành vùng chuyên canh bắp sinh khối. Vụ Hè thu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên phối hợp Viện nghiên cứu ngô (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) và UBND xã Sơn Thành Tây vùng liên kết sản xuất bắp sinh khối thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” tại xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa. Nhờ đó, thu nhập ổn định, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp trên vùng đất trồng tiêu kém hiệu quả, thường xảy ra dịch bệnh gây khó khăn cho bà con nông dân trong những năm gần đây.

Những ruộng bắp bạt ngàn màu xanh trải dài - đây là hình ảnh khá mới mẻ, bởi ngay trên diện tích này, khoảng 5 - 10 năm trước là những vườn tiêu. Bên ruộng bắp khoảng 1 tháng tuổi, ông Nguyễn Duy Hồng ở thôn Vân Trường, xã Sơn Thành Tây cho biết, trước đây bà con địa phương chủ yếu gắn với trồng trọt; thu nhập chính dựa vào cây tiêu... Tuy nhiên, gần đây được ngành nông nghiệp tỉnh định hướng phát triển bắp sinh khối làm thức ăn chăn nuôi đã giúp nhiều hộ có thu nhập ổn định, cải thiện đời sống so với trước.

Theo UBND xã Sơn Thành Tây, trước đây tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, từ sau năm 2017 cây tiêu liên tục phát sinh dịch bệnh bệnh và ảnh hưởng của thiên tai nên bà con đã chuyển sang trồng bắp... Với mục tiêu nâng cao kỹ thuật canh tác, năng suất và chất lượng bắp sinh khối, trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Phú Yên phối hợp Viện nghiên cứu ngô hỗ trợ địa phương thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất ngô sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” có quy mô 10 hecta, trồng giống bắp LCH9; hỗ trợ 50% giá trị giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, 100% chi phí tập huấn, tham quan, hội thảo đầu bờ và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh... Đến nay, nhiều diện tích đã thu hoạch cho năng suất cao, ít sâu bệnh giúp nhiều bà con mạnh dạn chuyển đổi cây trồng trên những diện tích đất canh tác kém hiệu quả sang trồng bắp, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Ngoài hiệu quả kinh tế, với tỷ lệ mọc mầm 95% cho thấy giống bắp LCH9 có khả năng mọc mầm khá cao. Chiều cao cây đạt 240 cm thuận lợi cho quá trình phụ phấn, thụ tinh. Bắp có thời gian sinh trưởng 80 ngày và được thu hoạch vào giai đoạn bắp chín sáp có khối lượng riêng cao nhất, cho năng suất cao, ít sâu bệnh hại, phù hợp với chân đất của địa phương nên khi bán cây bắp nông dân thu hoạch được giá trị lớn nhất, tạo lợi nhuận kinh tế cao. Cây bắp với thời gian đứng trên ruộng ngắn nên ít dùng thuốc bảo vệ thực vật để trị sâu bệnh vì thế giúp giảm được chi phí đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất và góp phần bảo vệ môi trường. Năng suất sinh khối của bắp mô hình đạt bình quân: 57 tấn/hecta. Lợi nhuận sau trừ chi phí đạt hơn 21 triệu đồng/hecta.

Theo Sở NN-PTNT, vùng liên kết sản xuất bắp sinh khối thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất bắp sinh khối làm thức ăn xanh cho chăn nuôi gia súc” tại xã Sơn Thành Tây, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp và cơ cấu cây trồng của địa phương. Với thời gian sinh trưởng ngắn, hàng năm bà con nông dân có thể trồng từ 3-4 vụ bắp sinh khối; đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng bắp lấy hạt chỉ sản xuất được 2 vụ/năm.. Liên kết sản xuất này cũng đã góp phần từng bước nâng cao trình độ canh tác bắp sinh khối cho các hộ tham gia và một số người dân trong vùng; góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân trên một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

An Bang- Quốc Hoàn