Đoàn ĐBQH tỉnh góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) |
Tham gia phiên thảo luận tổ chiều nay tại tổ đại biểu số 16 gồm ĐBQH các tỉnh Nghệ An, Tây Ninh và Phú Yên, các ĐBQH tỉnh Phú Yên đã có nhiều ý kiến đóng góp đối với Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Đồng chí Phạm Đại Dương, UV TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên là tổ trưởng điều hành phiên thảo luận tổ.
Các đại biểu cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi). Việc sửa đổi Luật sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập qua hơn 10 năm thi hành Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012.
Góp ý dự thảo Luật, về đối tượng áp dụng, theo đại biểu Lê Văn Thìn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh, đối tượng áp dụng của Luật Phòng, chống rửa tiền bao gồm 2 nhóm: tổ chức tài chính và các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính. Hiện nay, phát sinh một số hoạt động mới liên quan đến tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo, cung ứng dịch vụ trung gian kết nối người đi vay và người cho vay dựa trên nền tảng công nghệ... Đây là các hoạt động trực tuyến với tính ẩn danh cao của các bên tham gia giao dịch, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền. Khung pháp lý về cấp phép, quản lý các hoạt động này đang trong giai đoạn nghiên cứu, hoàn thiện. Do đó, để dự thảo Luật Phòng, chống rửa tiền bao quát các hoạt động mới phát sinh, đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung các quy định có tính nguyên tắc để dự liệu điều chỉnh các hoạt động nêu trên.
Đại biểu Dương Bình Phú, Giám đốc Sở KH&CN cho rằng, thực tế hiện nay, phát sinh các hình thức kinh doanh, đấu giá một số tài sản, vật có giá trị lớn như: đấu giá các tác phẩm nghệ thuật, kinh doanh cây cảnh, đồ cổ… đây là hình thức có nguy cơ phát sinh rủi ro về rửa tiền cao. Vì vậy, đề xuất cơ quan chủ trì soạn thảo xem xét bổ sung thêm một số đối tượng là tổ chức, cá nhân kinh doanh tài sản, vật có giá trị lớn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật.
Các ĐBQH tại tổ ĐBQH số 16 cũng kiến nghị bổ sung một số nội dung liên quan đến cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; sản phẩm, dịch vụ áp dụng công nghệ đổi mới; việc chia sẻ thông tin của cơ quan nhà nước cho các đối tượng báo cáo; tiêu chí đánh giá rủi ro quốc gia về rửa tiền; Về giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo... Để tạo hành lang pháp lý vững chắc trong thi hành và áp dụng pháp luật, các ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo xem xét tiếp thu một cách hợp lý, có những quy định cụ thể hóa hơn để hoàn chỉnh dự thảo Luật./.
Hồng Thủy – Đức Hưng