Chiều ngày 25/10, đồng chí Trần Hữu Thế- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến triển khai công tác ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới trên biển đông có khả năng mạnh lên thành bão. Tham dự hội nghị tại UBND tỉnh có các thành viên của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh; tại các điểm cầu ở các địa phương có lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố.
Phú Yên ứng phó với mưa lớn và áp thấp nhiệt đới trên biển đông |
Từ ngày 24/10 đến chiều ngày 25/10, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60,5- 237,6mm. Lúc 10 giờ ngày 25/10, thủy điện Sông Ba Hạ xả nước qua tràn để tích nước, đón lũ với lưu lượng xả: 1.200m3/s và dự kiến trong 24 giờ sẽ tăng dần lưu lượng là 1.600m3/s theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Hiện toàn tỉnh có gần 240 tàu cá với 1.280 lao động đang hoạt động trên các vùng biển, tất cả chủ các phương tiện tàu cá trên đều đã nhận được thông tin về tình hình thời tiết. Trên các vùng biển ven bờ hiện có 107.980 ô lồng/2.555 bè. Do mưa lớn xảy ra nên tại vùng nuôi sông cầu đã xảy ra nước lũ ngọt hóa vùng Phước Lý, phường Xuân Yên làm tôm chết với số lượng hơn 8.400 con và 12 tạ cá, thiệt hại trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Trần Hữu Thế- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, đánh giá thời gian qua phần lớn bà con phòng, chống bão tốt, nhưng chống lũ thì chưa, thậm chí chủ quan; yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra; thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, cửa sông có nguy cơ bị sóng biển tàn phá.
Trong công tác sơ tán dân thì gắn với đảm bảo phòng chống Covid-19. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các địa phương vùng trũng thấp phải cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước để ngăn ngừa tình trạng người dân dân qua lại. Quan trọng nhất là công tác tuyên truyền: hết sức chú ý “4 tại chỗ”. Đối với vùng liên quan đến ngập úng, bão lũ: các địa phương phải nắm số liệu người, bò, vật nuôi để có bão lũ phải di dời hoặc phải cưỡng chế; hạn chế thấp nhất những tình huống phát sinh gây nguy hiểm đến tài sản, tính mạng của nhân dân.
An Bang, Quốc Hoàn