Không để chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam |
Thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 11/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các địa phương phải bàn giao 100% mặt bằng cho đơn vị thi công vào ngày 30/6/2023. Tại tỉnh Phú Yên, tuy còn những khó khăn nhất định, chính quyền địa phương có dự án đi qua và chủ đầu tư đang từng ngày chạy đua để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.
Công trường xây dựng cầu Đà Rằng - mũi thi công trọng điểm gói thầu xây lắp 02 (XL-02), thuộc dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, từng ngày vẫn nhộn nhịp các loại xe, máy, phương tiện và công nhân thi công. Hiện nay, đơn vị thi công triển khai cùng lúc 6 mũi thi công nhằm đảm bảo mục tiêu vượt lũ trong mùa mưa năm nay.
Tại điểm thi công gói thầu hầm đường bộ Tuy An dài khoảng 1.020m thuộc xã An Cư, huyện Tuy An, các mũi thi công do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả đảm nhiệm cũng đang triển khai tích cực các hạng mục... Tuy nhiên, đến nay, công tác thi công khoang hầm vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân là do còn vướng mặt bằng, chưa triển khai được đường công vụ để vận chuyển máy móc, thiết bị vào thi công hầm.
Không để chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam |
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn qua địa phận tỉnh (gọi tắt là Dự án Cao tốc Bắc - Nam) có tổng chiều dài 90,12km, được triển khai với 02 dự án thành phần, gồm: Dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thạnh, do Ban QLDA 85 - Bộ GTVT làm Chủ đầu tư và Dự án thành phần Chí Thạnh - Vân Phong, do Ban QLDA 7 - Bộ GTVT làm Chủ đầu tư. Đến nay, các chủ đầu tư đã huy động trên 700 kỹ sư, đồng loạt triển khai 79 mũi thi công cầu, đường và thi công hầm. Tuy nhiên, việc một số vị trí chưa bàn giao mặt bằng triệt để khiến cho các đơn vị thi công gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo, đến thời điểm này, Ban QLDA 85 thực hiện 2 gói thầu trên địa bàn TX Sông Cầu và huyện Tuy An; khối lượng 2 gói thầu đạt khoảng 170/2.900 tỉ đồng của tổng giá trị hợp đồng. Năm 2023, Ban QLDA 7 dự kiến khối lượng công việc mà các nhà thầu phải thực hiện khoảng 29% khối lượng hợp đồng. Đến nay, mặc dù thời gian thi công được 6 tháng, nhưng cả hai gói thầu mới chỉ được 307/7.557 tỉ đồng, đạt khoảng 4,1% so với hợp đồng.
Trong giai đoạn đầu, Phú Yên là một trong những địa phương chậm trong giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. Nhưng hiện nay, Phú Yên đang nằm trong tốp 4 địa phương giải phóng mặt bằng tốt nhất cho dự án này. Hiện khối lượng mặt bằng cần giải phóng còn không nhiều, nhưng lại khá phức tạp, tập trung vào phần đất ở, hạ tầng kỹ thuật và các khu tái định cư. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư dự án cao tốc Bắc – Nam, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao Chủ đầu tư thi công là giải pháp trọng tâm tập trung của tỉnh Phú Yên Thực hiện Nghị quyết số 18 của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam.
Theo Sở Giao thông vận tải - cơ quan thường trực giải phóng mặt bằng, đến ngày 20/6, Phú Yên đã bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư là 84,81km, đạt 94,11%, cơ bản đáp ứng tiến độ yêu cầu. Tuy nhiên trong số này, diện tích mặt bằng có thể thi công là 65,58km (đạt 77,64% phần mặt bằng đã bàn giao và đạt 73,06% toàn bộ dự án). Theo Ban Chỉ đạo đền bù giải phóng mặt bằng huyện Tuy An, địa phương đã rất nỗ lực trong công tác giải phóng mặt bằng, nhưng còn chậm vì nhiều lý do khách quan như diện tích lớn với nhiều loại đất khác nhau nên việc kiểm kê, áp giá rất khó khăn. Trước mắt, địa phương ưu tiên thực hiện giải phóng mặt bằng các vị trí đường găng tiến độ. Những vị trí còn lại sẽ được bàn giao sớm nhất và nhà thầu có thể thi công theo hình thức cuốn chiếu.
Không để chậm bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng tiến độ cao tốc Bắc - Nam |
Tại buổi làm việc của UBND tỉnh và các nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc – Nam về tình hình thực hiện Dự án và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng, đồng chí Tạ Anh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần phối hợp Ban quản lý các dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ chi trả đền bù, thi công các khu tái định cư và chuẩn bị sẵn sàng phương án bốc thăm, bàn giao cho người dân; đồng thời đẩy nhanh tiến độ di dời các hạ tầng kỹ thuật, thực hiện công khai, minh bạch. Cơ quan thường trực giải phóng mặt bằng tập trung xây dựng các đường găng, tạo thuận lợi cho hoạt động thi công dự án.
Đối với các thủ tục liên quan khi thực hiện dự án, các sở ngành, địa phương không được bỏ qua các thủ tục hành chính, nhưng phải chuẩn bị sẵn các bước, thủ tục cần thiết để sẵn sàng triển khai các bước tiếp theo. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết kiểm tra, xử lý nghiêm nếu có tình trạng cá nhân đầu cơ đất, đẩy giá vật liệu xây dựng cao bất thường để trục lợi và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Các chủ đầu tư, nhà thầu cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc giải phóng mặt bằng; triển khai thi công đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình và ít ảnh hưởng nhất đến đời sống và sự an toàn của người dân.
An Bang – Quốc Hoàn