Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ |
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV, chiều ngày 30/5, các ĐBQH tham gia thảo luận tại Tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại Tổ đại biểu số 9, bao gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre. Tham gia thảo luận có các đồng chí: Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Quang Phương, Thượng tướng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội.
Góp ý Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Trưởng chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Thìn thống nhất với sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Qua tổng kết Nghị quyết số 54 ngày 24 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, phạm vi, quy mô, tính chất của các chính sách hiện hành còn chừng mực, chưa tạo sức nặng đột phá; nhiều vướng mắc về thể chế đang cản trở phát triển. Trong khi đó, Thành phố là trung tâm kinh tế, thương mại, tài chính lớn nhất cả nước, có vai trò quan trọng trong điều tiết về ngân sách trung ương. Đối với Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn góp ý 1 số ý kiến. Về nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đề nghị chỉnh lý quy định tại khoản 4 Điều 5 theo hướng bổ sung yêu cầu về báo cáo và công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Đại biểu cũng góp ý kiến đối với quy trình bỏ phiếu tín nhiệm.
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên góp ý kiến tại phiên thảo luận Tổ |
Về hệ quả đối với người được bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Thìn đề nghị trong trường hợp người được đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm có từ quá nửa tổng số đại biểu trở lên đánh giá không tín nhiệm thì cần áp dụng hình thức xử lý nghiêm khắc hơn, đó là Quốc hội, HĐND tiến hành bãi nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị cách chức đối với người đó./.
Hồng Thủy – Đức Hưng