Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

08:25, 28/10/2024 [GMT+7]

 

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 26/10, thảo luận tại Tổ 9 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Yên, Bến Tre) về dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng tại Nghị quyết số 55 ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia. Đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, Tổ trưởng Tổ 9 điều hành thảo luận.

 Phát biểu thảo luận, đại biểu Dương Bình Phú - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật để đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định của các Luật liên quan cũng như các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Về Chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực tại Điều 5, cần có các chính sách, cơ chế thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Về các loại hình điện năng lượng tái tạo, Đại biểu Dương Bình Phú cho rằng, trong dự thảo hiện nay chưa quy định rõ một số loại hình nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ trong các cơ sở sản xuất công nghiệp (ví dụ như nguồn điện sử dụng nhiệt dư tại nhà máy thép).

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Về trách nhiệm của chủ đầu tư tại Điều 23, giao chủ đầu tư /đơn vị phát điện có trách nhiệm đầu tư trạm điện, công tơ điện và đường dây dẫn điện đến điểm đấu nối là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Dương Bình Phú, dự thảo Luật cần làm rõ cơ quan / đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý vận hành các tài sản / công trình sau đầu tư.

Góp ý hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi), các đại biểu Tổ 9 cho rằng, Luật Điện lực năm 2004 được sửa đổi, bổ sung qua 04 lần, sau gần 20 năm triển khai thi hành đến giai đoạn hiện nay còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước...

Kết luận tại buổi thảo luận tổ, đồng chí Phạm Đại Dương ghi nhận sự tham gia góp ý sôi nổi, trách nhiệm, tâm huyết của ĐBQH trong tổ; nhiều ý kiến có tính thực tiễn cao; đề nghị thư ký của tổ tổng hợp đầy đủ, trung thực các ý kiến góp ý của ĐBQH để chuyển đến Tổng Thư ký Quốc hội báo cáo Quốc hội theo quy định./.

An Bang