Nông nghiệp trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế Phú Yên |
Là một tỉnh nông nghiệp, sau 35 năm tái lập tỉnh, được định hướng trở thành trụ cột kinh tế của tỉnh, nông nghiệp Phú Yên là một trong những lĩnh vực đầu tư đầy tiềm năng, thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Sau 35 năm tái lập tỉnh những kết quả mà nền nông nghiệp Phú Yên đạt được là rất đáng tự hào. Nổi bật như: Nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nâng lên; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai, thực hiện các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn ngày càng tốt hơn. Cùng với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nông dân các địa phương trong tỉnh tích cực ứng dụng cơ giới hóa, đưa nhiều máy móc hiện đại vào sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất. |
||
35 năm qua, nông nghiệp của tỉnh đã có những bước phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả. Tính riêng năm 2023, giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 13.834 tỉ đồng, tăng 0,6% kế hoạch và tăng 3,28% so với năm 2022. Toàn tỉnh, thành lập mới 15 HTX nông nghiệp; công nhận mới 181/249 sản phẩm OCOP; công nhận thêm 1 xã nông thôn mới và 1 xã nông thôn mới nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đạt 64/83 xã. |
||
Sau 35 năm tái lập tỉnh, nông nghiệp Phú Yên đã phát triển vượt bật. Giờ đây người dân đã dần thay đổi nhận thức bán sản phẩm nông nghiệp không chỉ đơn thuần bán sản phẩm, mà bán câu chuyện sản phẩm, tức là bán giá trị sản phẩm, cách tạo ra sản phẩm phải có sự khác biệt để người mua sẵn sàng mua với giá cao.
|
||
Với quan điểm xuyên suốt thời gian qua: Nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp CNH-HĐH. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là nền tảng văn hóa xã hội. Nông dân là lực lượng lao động và là nguồn tài nguyên con người quan trọng”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 đã tiếp tục ban hành Nghị quyết 19, ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 06/12/2022 Tỉnh ủy Phú Yên ban hành Chương trình hành động số 22 thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, đặt ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030, tiếp tục nâng cao trình độ, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; phát huy vai trò làm chủ của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh... |
||
Một tín hiệu vui đến với bà con nông dân tỉnh Phú Yên, mới đây Hội Nông dân tỉnh Phú Yên đã ký kết hợp tác với Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và Phát triển nông nghiệp Việt Nam và Tập đoàn ShengXiang Trade, Trung Quốc về việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Tập đoàn ShengXiang Trade Group là nhà bán hàng quy mô lớn tại thị trường Trung Quốc, chuyên cung cấp các kênh bán hàng nên đảm bảo việc thu mua và lưu thông sầu riêng Việt Nam sang thị trường Trung Quốc…Vì vậy hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm sầu riêng sang thị trường Trung Quốc lần này là một lợi thế lớn để sầu riêng của tỉnh Phú Yên tham gia xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỉ dân. |
||
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang đứng trước những thời cơ mới để đổi mới, phát triển toàn diện và ấn tượng theo hướng tiếp cận dòng chảy, xu thế tiêu dùng của nền kinh tế toàn cầu, xu thế tiêu dùng xanh của thế giới. Phú Yên là một tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển nông nghiệp, Phú Yên xác định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới, bao gồm: 1 mũi nhọn - 2 hành lang - 3 trụ cột - 4 nền tảng - 5 nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, nông nghiệp được xác định là một trong ba trụ cột của sự phát triển. Phấn đấu đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng GRDP ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3-3,5%/năm; trên 90% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu có 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; Toàn tỉnh có ít nhất 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó khoảng 10% sản phẩm được công nhận 4 sao và 02 sản phẩm có tiềm năng đạt 05 sao được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia.
|
||
Sau 35 năm tái lập tỉnh, Phú Yên cũng đang tiếp tục dành nguồn lực ưu tiên đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo đó, Phú Yên được quy hoạch phát triển 11 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích hơn 10.000 ha. Trong đó, sẽ phát triển các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gồm các vùng trồng lúa, bắp sinh khối, mía, rau, nấm, hoa, cây cảnh, hồ tiêu, cây ăn quả, cây dược liệu; các vùng chăn nuôi bò sữa, nuôi bò thịt, nuôi lợn, nuôi tôm thẻ, tôm hùm, nuôi thủy sản trên cạn. Từ đó góp phần bảo đảm phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền, địa phương. Đồng thời gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”./. |
||
Nguyễn Yên – Quốc Hoàn |