Tối ngày 7/10, Hội VHNT Phú Yên phối hợp với Câu lạc bộ thơ Nguyễn Huệ tổ chức Đêm thơ “Văn Công, cuộc đời và trang viết” tri ân và tôn vinh một nhà thơ có những cống hiến đặc sắc về văn học đối quê hương Phú Yên. Tham dự đêm thơ có các đồng chí Bùi Thanh Toàn, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Đinh Thị Thu Thanh, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy; Trần Hữu Thế, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh; Đào Mỹ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh; các văn nghệ sĩ, những người yêu thơ và gia đình nhà thơ Văn Công.
Đêm thơ Văn Công, cuộc đời và trang viết |
Nhà thơ Văn Công là một nhà cách mạng, tác giả trưởng thành từ hai cuộc kháng chiến cứu nước, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông tên thật Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại Nghệ An trong một gia đình nho học, dòng tộc khoa bảng, nhiều trí thức lớn. Ông tham gia cách mạng ngay sau Cách mạng Tháng 8/1945, gia nhập đoàn quân Nam Tiến vào chiến đấu chống Pháp ở mặt trận Phú Yên. Từ đó ông gắn bó cả cuộc đời mình với vùng đất này. Ông từng làm Phó Bí thư Tỉnh ủy phụ trách khối kinh tế phục vụ chiến trường Phú Yên, cán bộ phụ trách Ban Chi viện chiến trường khu Trung Trung Bộ, thành viên Ban Chấp hành Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung Bộ. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, ông tiếp tục giữ các trọng trách của tỉnh như: Phó Chủ tịch Thường trực, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh…
Nhà thơ Văn Công đã xuất bản hơn 20 đầu sách, trong đó có 15 tác phẩm in riêng như: Bất khuất (tập thơ, 1964); Mảnh đất yêu thương (tập thơ, 1978); Khúc hát miền quê (tập thơ, 1985); Miền đất huyền thoại (tập ký, 1990); Vùng đất lửa (tập ký, 1990); Trước chiều gió (tập thơ, 1996); Hương đêm (tập thơ, 1996)…
Nhà thơ Văn Công là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng Văn học giải phóng miền Nam với những bài thơ giàu tình cảm và sục sôi chiến đấu. Hai bài thơ “Lòng em” và “Tiếng các em” (1960) của ông giành giải Nhất cuộc thi thơ Báo Thống Nhất. Tập Tuyến đầu Tổ quốc và tập Tiếng hát miền Nam (in chung) được tặng Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ “Người Cộng sản” (1958) của ông được một tờ báo lớn ở Pháp dịch và đăng ngay trong những ngày chống Mỹ. UBND tỉnh Phú Yên cũng đã tặng ông nhiều giải thưởng cao quý về Văn học nghệ thuật.
Đêm thơ “Văn Công, cuộc đời và trang viết” là dịp để mọi người ôn lại kỷ niệm và lắng lòng nghe lại những vần thơ đầy cảm xúc và tinh thần Cách mạng của ông, để tưởng nhớ đến ông, một nhà thơ có những cống hiến đặc sắc về văn học đối quê hương Phú Yên hơn ¾ thế kỷ qua.
Lưu Khánh-Quốc Hoàn